Diễn ra từ ngày 26-12-2011 đến 1-1-2012 tại Công viên 23-9, Tp. Hồ Chí Minh, Liên hoan ẩm thực “Món ngon các nước 2011” (Taste of the World - 2011) chào mừng năm mới 2012, do Sở VT-TT&DL Tp. Hồ Chí Minh tổ chức đã thực sự là “điểm đến” hấp dẫn của du khách cả trong và ngoài nước. Tại đây, những món ngon mang đậm chất Sài Gòn - Nam bộ kết tinh của các món ăn đất phương Nam đã thực sự l
Liên hoan nhằm giới thiệu những tinh hoa ẩm thực Việt Nam nói riêng và ẩm thực thế giới nói chung, đây còn là cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế. Đồng thời, Liên hoan là dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh Thành Phố Hồ Chí Minh năng động, với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch phong phú đa dạng.
Tham dự Liên hoan có khoảng 150 gian hàng của 80 đơn vị nhà hàng, khách sạn đại diện cho nền ẩm thực của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Liên hoan ẩm thực Món ngon các nước nhằm giới thiệu, quảng bá các món ngon, những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc trên thế giới.
Liên hoan bếp trưởng khách sạn 5 sao nhằm giới thiệu nét đặc sắc về ẩm thực trong các khách sạn 5 sao tại Việt Nam và trên thế giới.
Hội thi Gian hàng đẹp: Các đơn vị tham gia Liên hoan thiết kế, đầu tư, trang trí gian hàng, chọn lựa thực phẩm phục vụ, trang phục của nhân viên… theo tiêu chí thể hiện được đặc trưng văn hóa của quốc gia hoặc địa phương mình đại diện.
Hình ảnh đại diện ẩm thực Việt Nam
Hội thi tỉa rau, củ, quả nghệ thuật ”. Đây là cuộc thi thể hiện nghệ thuật cắt tỉa, điêu khắc củ quả và gắn kết nên mô hình độc đáo có giá trị sáng tạo cao. Bên cạnh đó là Chương trình trình diễn nghệ thuật pha chế (Bartender) được tổ chức tại các gian hàng ẩm thực theo khu vực (Việt Nam và các nước), theo cụm (ASEAN và các nước khác) với phong cách trang trí, nghệ thuật trình bày món ăn, bày bán sản phẩm, hướng dẫn nghệ thuật nấu bếp. Các gian hàng được thiết kế theo phong cách đặc trưng, thể hiện được nét độc đáo của văn hóa ẩm thực kết hợp với các giá trị văn hóa trong trang phục, âm nhạc truyền thống và hình ảnh nổi bật của các điểm đến của từng quốc gia, lãnh thổ.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian tại mỗi gia hàng. Qua đó, giới thiệu trang phục, nghệ thuật truyền thống của mỗi nước, của từng địa phương, biểu diễn nhạc cụ…
Sài Gòn trong tâm thức của những khách ẩm thực vẫn được mệnh danh là thành phố không “đêm”. Bởi lẽ, từ sáng tinh mơ cho đến tối muộn, vẫn một cuộc sống nhộn nhịp, rộn rã những thanh âm, người mua, kẻ bán… Cái tuổi 300, cái tuổi không già bởi “thành phố tôi rất trẻ”. Trẻ trong diện mạo, trẻ trong sự năng động và phát triển nhanh chóng của một thành phố công nghiệp và “trẻ” trong việc tiếp biến văn hóa ẩm thực cổ - kim, đông - tây.
Gọi là ẩm thực Sài Gòn có lẽ là chưa đủ mà phải gọi đúng cái tên là ẩm thực Sài Gòn - Nam Bộ. Bởi Sài Gòn là tâm điểm của toàn vùng Nam Bộ và là ngã ba đường của Bắc-Nam-Đông-Tây. Bắc ở đây bao gồm cả miền Bắc và miền Trung, Đông là vùng Đông Nam bộ, Tây là Tây Nam bộ và cũng là chỉ phương Tây- luồng văn hóa mới thổi hồn vào văn hóa Sài Gòn nói chung và văn hóa ẩm thực Sài Gòn nói riêng.
Từ xưa đến nay, thói quen của người dân Sài Gòn là thích đi ăn nhậu ở quán, nhà hàng vào những buổi chiều tối cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, Tết. Có nhiều quán mở cửa phục vụ đến tận sáng, nhất là chợ đêm Bến Thành, phố ăn đêm khu vực Chợ Lớn. Người ta nói rằng, Sài Gòn luôn thức với những quán ăn ngon.
Ẩm thực Sài Gòn trước hết là sự kết tinh của các món ăn ngon, độc đáo của đất Nam Bộ. Ðó là những món ăn mang hương vị đồng quê của vùng sông nước đầy sức hấp dẫn. Giờ đây trong các quán ăn, nhà hàng, khách sạn người ta thích gọi các món dân dã như: châu chấu, ve sầu chiên giòn, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu, canh chua cá lóc, gà nướng muối ớt, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, tôm lụi Bạc Liêu, chuột đồng rô ti, rắn nướng lèo, mắm sống, mắm kho, nấm tràm Phú Quốc, hủ tiếu Mỹ Tho.
Các món ăn Nam Bộ thường có vị ngọt của đường, béo của nước và cơm dừa. Các món lẩu, nhất là lẩu mắm bao giờ cũng đầy ắp các loại rau đồng nội như: cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển. Các món nướng cũng có nhiều kiểu: nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng đất sét... Sài Gòn cũng là nơi dung nạp nhiều món ăn ngon từ các vùng miền khác nhau. Rất nhiều món ăn độc đáo của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc cũng đã trở thành một phần của ẩm thực Sài Gòn như: phở, chả cá, bún, miến, nem Hà Nội; bánh cuốn Tây Hồ; bánh tôm Hồ Tây; cơm bắc... Các món ăn miền trung cũng rất quen thuộc ở đất Sài Gòn như: bún bò Huế, nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An...
Sài Gòn còn là nơi tiếp biến của văn hóa ẩm thực Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pháp, Mỹ, Italia, Nga, Nhật Bản, Ôxtrâylia và nhiều nước khác. Khách du lịch nước ngoài có thể tìm thấy các món ăn ưa thích của dân tộc mình ở phần lớn các khách sạn, nhà hàng trong thành phố như: vịt quay Bắc Kinh, càri dê, thịt xông khói kiểu Pháp, xúc xích Ðức, Hămbơgơ Mỹ, thịt nướng kiểu Nga, xuxi Nhật Bản và say sưa hương vị thịt nướng của Tiệp Khắc với đủ các loại rượu bia nổi tiếng nhất... Sự mở rộng đó không làm mất đi cái truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Bởi ở những khu phố Tây, người ta vẫn thấy những người Mỹ, người Anh cầm đũa ngồi ăn phở bò Hà Nội và trầm trồ khen món quà đất Bắc ấy, hay vài anh bạn Hoa muốn tìm hiểu nét Cố đô giữa lòng Sài Gòn thì thưởng thức bánh khoái, bún bò Huế.
Ẩm thực Sài Gòn đa dạng và phong phú. Người đến Sài Gòn thuộc lòng tên những con phố ăn uống, những con đường, những nhà hàng với hàng trăm món ăn độc đáo. Và sẽ là không quá đáng khi tặng cho miền đất hoa lệ ấy cái tên “Xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam”.
Ẩm thực Sài Gòn là một thế mạnh có thể góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Khách nước ngoài đến Tp. Hồ Chí Minh rất ấn tượng với các món ăn ở đây. Nhưng các món ăn đặc trưng Sài Gòn mới chỉ được giới thiệu với khách một cách tự phát, thiếu bài bản.
Trên địa bàn thành phố hiện đã có một số khu vực ẩm thực đặc thù hay khu du lịch - làng du lịch tổ chức lễ hội ẩm thực đặc thù nhưng vẫn chung chung về các vùng miền. Một số doanh nghiệp du lịch lớn như: Saigontourist, Fiditourist đã tổ chức những tour du lịch kết hợp tìm hiểu ẩm thực cho khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, các tour du lịch này cũng chưa thường xuyên.
Ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho triển khai đề tài nghiên cứu "Khai thác và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trong xây dựng sản phẩm du lịch Tp. Hồ Chí Minh". Theo đó, sẽ triển khai một loạt hình thức tiếp cận ẩm thực phục vụ du lịch. Ðó là việc xây dựng một chương trình giới thiệu với khách du lịch sự phong phú về ẩm thực, nhất là ẩm thực Sài Gòn. Hình thức tour hướng dẫn nấu ăn được nhiều du khách hoan nghênh. Khách du lịch được hòa mình trong môi trường sinh hoạt của người Việt qua việc đi chợ mua nguyên liệu, nấu món ăn và thưởng thức hương vị của chúng. Ðây chính là cách tạo cảm hứng để khách du lịch kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn ở nước ta.
Hiện nay đã có một số khu du lịch ở Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng thương hiệu ẩm thực dân dã, đậm đà dấu ấn vùng đất phương Nam và các vùng miền khác của đất nước như khu du lịch Bình Qưới. Ở đây, ngoài các "món độc" của vùng sông nước còn có các món ăn bình dân như: phở bò, phở gà, bánh bèo, bánh cuốn, khoai lang nướng, bắp (ngô) nướng... Một hình thức nữa cũng có khả năng thu hút khách du lịch là xây dựng nhà hàng thực dưỡng, nơi khách du lịch được thưởng thức những món ăn Việt Nam bổ dưỡng, có khả năng chữa bệnh.
Ðể ẩm thực Sài Gòn trở thành một trong những sản phẩm du lịch thật sự, cần có một chiến dịch quảng bá rộng rãi và thường xuyên tại các lễ hội, liên hoan, tổ chức sự kiện, hội thi, trong sách báo, trên internet và các phương tiện truyền thông đại chúng để nhằm giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước biết đến một sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.
Kim Chung