S-400 là nguyên nhân chính để NATO cần “suy nghĩ hai lần trước khi leo thang căng thẳng với Liên bang Nga” - hãng tin Sputnik (Nga) dẫn thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết.
S-400 trong lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng (09/5/2015)
Bài báo có tựa đề “Nước Mỹ, coi chừng: Nga triển khai hệ thống siêu tối tân S-400 tới biên giới NATO”. Trong đó, chuyên gia Zachary Keck - biên tập viên The Diplomat, nhận định: "Moscow có kế hoạch tăng cường khả năng phòng không dọc biên giới với các nước phương Tây bằng cách triển khai một số hệ thống phòng không tân tiến S-400 Triumf và Pantsir-S. Đây là một phần chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga trên quy mô lớn vào năm 2020 và - có vẻ như - nhằm phản ứng lại sự đe dọa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Theo ông Zachary Keck, “việc triển khai một số lượng lớn hệ thống S-400 dọc biên giới của Nga với các nước thành viên NATO có thể cho liên minh này thách thức về khả năng giành vị trí thống trị trên không trong tình hình xung đột với Moscow”.
Còn theo theo Giáo sư Robert Farley, thuộc Đại học Kentucky (Mỹ), S-400 Triumf (tên hiệu NATO: SA-21 Growler) quả thực là một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân tuyệt vời.
Hệ thống vũ khí chống máy bay thế hệ mới của Nga có thể nhắm trúng tất cả các loại mục tiêu trên không bao gồm máy bay, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo trong phạm vi 250 dặm ở độ cao gần 19 dặm.
S-400 được trang bại 3 loại tên lửa khác nhau và một màn hình radar có khả năng theo dõi 300 mục tiêu trong phạm vi trên 370 dặm.
Trong bài viết cho National Interest, Giáo sư Robert Farley nhận định: "Ít nhất là trong những ngày đầu của cuộc chiến, S-400 và các hệ thống liên quan của nó có thể vô hiệu hóa không lực của NATO, phá hoại một trong những trụ cột tiến hành chiến tranh trọng tâm của phương Tây”.