Thông tin rượu, bia là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới được công bố trong buổi Tọa đàm tác hại của rượu, bia và giải pháp do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tổ chức.
Tại buổi tọa đàm rất nhiều vấn đề liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là tình trạng lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội được các diễn giả, chuyên gia về hàng đầu về y tế, kinh tế, xã hội liên tục đề cập. Bên cạnh đó, những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên cũng được đưa ra và thảo luận sôi nổi.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á
Trong số những thống kê, nghiên cứu có quy mô trong và ngoài nước được các diễn giả công bố, đáng chú ý nhất đó là thống kê về tác hại mà rượu, bia gây ra. Trong bài phát biểu của mình, BS.TS. Trần Tuấn, thuộc Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam khẳng định, rượu, bia gây tổn hại lớn tới sức khỏe nếu lạm dụng.
Ông chỉ ra rằng, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh và cũng là nguyên nhân cấu thành 200 loại bệnh và chấn thương. Vì thế, rượu, bia được xếp hàng thứ 3 gây tổn hại sức khỏe, gây ra 4% số người chết toàn cầu và là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.
Về mặt kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, rượu, bia góp phần làm cho nhân dân thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng yếu và nghèo đi. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận từ rượu, bia đem lại không bù nổi những chi phí mà Y tế phải bỏ ra vì những hậu quả của nó để lại. Ông viện dẫn, năm 2010, EU đã tổn thất một số tiền khổng lồ lên tới 155,8 tỷ Euro do những tác hại của rượu, bia.
Không những thế, BS. Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam còn chỉ ra rằng, rượi, bia là nguyên nhân gây ra đại đa số các vụ bạo lực gia đình và không ai khác trẻ em là nạn nhân của những vụ việc đó.
Hiện nay, tại Việt Nam tình trạng sử dụng rượu, bia phổ biến ở cả nam lẫn nữ và độ tuổi sử dụng rượu, bia có xu hướng trẻ hóa. Đáng báo động là lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.
Nếu như lượng tiêu thụ bia năm 2012 tại Việt Nam là 2,8 tỷ lít thì đến năm 2013 con số này đã lên tới hơn 3 tỷ lít. Lượng tiêu thụ rượu vào năm 2013 của người dân Việt Nam là gần 68 triệu lít.
Với những con số khủng như trên, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và luôn khiến các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia phải đau đầu.
Các diễn giả, chuyên gia trong buổi Tọa đàm tác hại của rượu, bia và giải pháp trả lời câu hỏi của các nhà báo
Giải pháp nào hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia để hậu quả do nó gây ra là thấp nhất, được xem là mối quan tâm hàng đầu và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt buổi Tọa đàm.
Tăng thuế, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, phạt nặng người uống rượu, bia khi tham gia giao thông...là những giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, xét đến cùng thì những hình phạt hoặc cưỡng chế cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Vậy làm thế nào để giải quyết tận gốc của vấn nạn rượu, bia thì nâng cao nhận thức của người dân được xem là khâu then chốt.
Nhận thức việc này, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực cùng với các cơ quan ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục bằng những bài báo có tính giáo dục, cảnh báo cao về tác hại của rượu, bia. Bên cạnh đó, những phong trào, cuộc thi viết về phòng chống tác hại rượu, bia cũng được Hội Nhà báo Việt Nam phát động với kỳ vọng sẽ góp phần tích cực thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về việc sử dụng rượu, bia trong thời gian tới.
Chiều ngày 19/10, sau buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động cuộc thi viết về phòng chống tác hại rượu, bia.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí viết về phòng, chống tác hại rượu, bia cần phản ánh thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia và những giải pháp trong công tác phòng, chống tác hại rượu bia; các chính sách và việc thực thi chính sách về phòng, chống tác hại rượu, bia như chính sách kiểm soát quảng cáo khuyến mại tài trợ rượu, bia, chính sách kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, chính sách phòng, chống lái xe khi sử dụng rượu bia…
Tác phẩm báo chí thuộc các thể loại, được đăng tải trên báo in và báo điện tử trong thời gian từ ngày 20/10 đến 20/12 đều có thể tham dự cuộc thi. Đối với tác phẩm báo in, tham gia giải thưởng có thể gửi bài báo đã được đăng và ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải và gửi về Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam).
Các tác phẩm báo điện tử tham dự cuộc thi có thể in ra giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian và đường link gửi về địa chỉ banghiepvu.hnb@gmail.com .