Quy định xử phạt rất nặng hành vi tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia trong Luật và Nghị định đã có hiệu ứng mạnh mẽ ngay trong những ngày đầu đi vào cuộc sống.
Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) đã chỉ ra, trong giai đoạn 1990-2017, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu nguyên chất rất lớn, gần 90% kể từ 2010. Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít, rượu cao hơn cả Ấn Độ (5,9 lít) và Nhật Bản (7,9 lít).
Một báo cáo công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore (Tạp chí Forbes, số tháng 5/2019). Việt Nam cũng đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về lượng bia tiêu thụ, với khoảng trên 4 tỉ lít bia/năm.
Tuy nhiên, những "kỷ lục" chẳng mấy tự hào này dự báo sẽ có sự thay đổi trong năm 2020. Bởi, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía dư luận.
Một tài xế ở Hà Nội lái ô tô chạy đi thăm mẹ nằm viện đã phải lãnh biên lai xử phạt hành chính lên đến 35 triệu đồng, bị tước bằng lái xe 23 tháng do vừa rời khỏi bàn nhậu khiến nhiều người...choáng váng. Hay một thanh niên đã bỏ cả xe máy để "chạy lấy người" vì biết nếu bị thổi nồng độ cồn thì mức phạt còn gấp mấy lần chiếc xe anh ta đang đi. Mấy ngày qua, không thiếu những chuyện khóc cười tại chốt xử phạt của Cảnh sát giao thông.
Thật hiếm có một quy định luật nào lại tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ như thế khi mới đi vào cuộc sống. Nếu như trước đây các "đệ tử lưu linh" vô tư nhậu tới bến, nhậu "ngất trên cành quất" rồi tỉnh dậy vẫn tiếp tục lái xe thì nay mọi thứ đã khác. Ngay cả những "bợm nhậu" đi xe đạp giờ cũng không dám...liều.
Luật quy định xử phạt ngay từ chén rượu "chào mâm". Chén "chào mâm" giờ chẳng khác nào "chén rượu phạt" mà ai cũng đắn đo, cân nhắc trước khi uống. Luật cũng cấm tiệt hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu.
Quán xá mọi khi rôm rả, tiếng cụng ly leng keng thì mấy ngày này trở nên hiu hắt, ảm đạm. Âu cũng là lẽ thường, bởi chẳng ai muốn "uống rượu phạt" cả.
Còn nhớ, những quy định cấm triệt để rượu, bia khi lái xe này trước khi ra đời đã trải qua không ít "sóng gió". Có nhiều người không đồng tình trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến. Thậm chí ngay cả khi nó có hiệu lực thì họ vẫn phản đối gay gắt. Họ lấy lý do ăn trái cây, uống thuốc ho cũng có nồng độ cồn, hay xử phạt mức cao chỉ làm tăng tình trạng mãi lộ? Nhưng rút cục, đó đều là những lời ngụy biện.
Hãy xem những con số thống kê về tai nạn giao thông ở đất nước ta mỗi ngày, trong số đó rất nhiều những vụ tai nạn thảm khốc xuất phát từ chén rượu. Bia, rượu còn khởi phát cho những nỗi bất an, những tệ nạn của xã hội.
Cấm tiệt rượu, bia khi tham gia giao thông không chỉ là quy định văn minh mà nó còn giúp uốn nắn cái thứ "văn hóa nhậu" vốn đã lệch lạc suốt thời gian qua.