Ngày 5/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” của tác giả, diễn giả Amandine Dabat, Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 tại Cố đô Huế.
Cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger.
Cuốn sách khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ… Để thực hiện cuốn sách này, cô Amandine Dabat đã dựa vào 2 bộ sưu tập quan trọng, gồm: Bộ sưu tập Hàm Nghi do hậu duệ của ông lưu giữ với khoảng 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ, bao gồm cả thư ông nhận và các bản thảo ông viết trong thời gian bị lưu đày và bộ sưu tập từ tài liệu của chính quyền Algérie được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại ở Aix-en-Provence (Pháp).
Trong khuôn khổ tọa đàm, các hậu duệ của vua Hàm Nghi đã trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhiều kỷ vật quý giá của vua Hàm Nghi gồm: Bộ sách bằng chữ Hán gồm 3 cuốn: “Ngự chế canh chức đồ” (2 quyển); “Đan đồ huyện chí” (26 quyển); “Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa” (5 quyển); Khay gỗ khảm xà cừ; Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã, được Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của vua Hàm Nghi (giai đoạn Cần Vương 1885 -1889); Đôi tiềm bằng sứ, vật dụng của gia đình vua Hàm Nghi.