Sáng 1/7, tại sân vận động huyện Thanh Chương ( Nghệ An), UBND huyện Thanh Chương tổ chức Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn huyện.
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Luật này gồm 05 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo quy định của Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, quản lý của UBND cấp xã, sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, huyện Thanh Chương đã triển khai các bước kiện toàn và thành lập 234 tổ bảo vệ an ninh trật tự tại 234 khối, xóm trên địa bàn với 702 thành viên tham gia. Trong đó, có 234 Tổ trưởng kiêm khối, xóm, thôn phó, phó bản, đội trưởng dân phòng và 234 Tổ phó kiêm Đội phó dân phòng và 234 tổ viên.
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 6 nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Lực lượng này được trang bị công cụ hỗ trợ, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Người bị thương, tử vong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Sau lễ ra mắt, lực lượng tham bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong bám sát địa bàn cơ sở, gần dân, hiểu dân, phối hợp, hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.