Nhằm nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản của Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2025, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Sở Nông nghiệp và Môi trường - Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã lập phương án này dựa trên báo cáo đánh giá hiện trạng công trình lũ năm 2025. Qua quá trình kiểm tra và theo dõi, đã xác định được 5 trọng điểm xung yếu cấp thành phố cần được tập trung bảo vệ trong công tác phòng chống lụt bão.
Bao gồm: Trọng điểm xung yếu, đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu, tương ứng K0+000 ÷ K2+000 đê tả Đuống huyện Đông Anh; cống Liên Mạc; cống Cẩm Đình; cống Tân Hưng - Cẩm Hà tương ứng K24+950-K25+300 đê hữu Cầu, xã Tân Hưng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn; Cụm công trình cống qua đê Yên Sở, tương ứng K78+078 và K78+108 đê hữu Hồng - Quận Hoàng Mai.
Trong đó trọng điểm xung yếu, đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu được xác định là khu vực có nguy cơ sạt trượt cao, yêu cầu xử lý khẩn trương bằng biện pháp thả đá rời kết hợp rọ đá gia cố. Công tác xử lý phải hoàn thành trong vòng 24 giờ, với sự tham gia của 270 người từ lực lượng xung kích và quân đội.
Ngoài ra, đối với các điểm trọng yếu khác cống Liên Mạc, cống Cẩm Đình, cống Tân Hưng - Cẩm Hà và cống qua đê Yên Sở đều có các phương án cụ thể được đề ra, với sự huy động lực lượng và vật tư cần thiết để đảm bảo an toàn cho các công trình.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố sẽ chỉ huy chung và phối hợp với các quận, huyện trong việc triển khai các phương án ứng phó. Các địa phương cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động huy động nguồn lực để xử lý kịp thời các sự cố.
Phương án này không chỉ nhằm bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện phương án này, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo vệ cuộc sống của người dân.