Điều 62 BLTTHS năm 2015 có quy định về bị hại như sau: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Về tên gọi của chủ thể trong thành phần tham gia tố tụng vụ án hình sự có thay đổi so với trước đây, nếu theo quy định tại Điều 51 BLTTHS năm 2003 là “người bị hại”, thì nay theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 là “bị hại”. Đồng thời, nội hàm của định nghĩa về “bị hại” được mô tả theo hướng mở rộng hơn bao gồm cả cơ quan, tổ chức nhưng chặt chẽ, rõ ràng và cụ thể hơn.
Phạm vi của đối tượng được hưởng quyền của bị hại không chỉ giới hạn là những bị hại trực tiếp của tội phạm mà còn được mở rộng ra cả đối tượng khác như: Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định. Trường hợp cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định (Khoản 5 Điều 62 BLTTHS 2015)
Quyền của bị hại và người đại diện của họ được quy định tại khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015 như sau: Quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ (điểm a khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Quyền được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm b khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015).
Ảnh minh họa
Đây là một trong những điểm mới của BLTTHS năm 2015. Theo điểm b khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Như vậy, không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có quyền đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và đồ vật liên quan đến vụ án để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, chứng minh những thiệt hại của mình là do hành vi phạm tội gây ra, thậm chí bị hại có thể chứng minh cả những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết quyền lợi của mình như việc giải quyết bồi thường thiệt hại và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (điểm c khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Nếu như trước đây, bị hại trong vụ án hình sự chỉ được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu thì theo BLTTHS 2015, bị hại còn có quyền trình bày ý kiến của mình về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đồng thời có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá các tài liệu, đồ vật đó. Đây là một quy định nâng cao sự chủ động của bị hại khi tham gia tố tụng hình sự. Trên thực tế, bị hại là người trực tiếp bị tội phạm xâm hại, trong nhiều trường hợp bị hại cũng đồng thời là nhân chứng trực tiếp của vụ án, do đó những ý kiến của bị hại về các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tính khách quan của các chứng cứ, tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ án từ đó xác định các tình tiết trong vụ án hình sự.
Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật (điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): BLTTHS 2015 cho phép bị hại cũng như đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ những trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (khoản 1 Điều 207 BLTTHS 2015). Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị hại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 214 BLTTHS 2015)
Quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án (điểm đ khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra (Điều 229 BLTTHS 2015), quyết định phục hồi điều tra (Điều 235 BLTTHS 2015) và khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải thông báo cho bị hại, đương sự và người đại diện hợp pháp của họ (Điều 232 BLTTHS 2015).
Trong giai đoạn truy tố, khi Viện kiểm sát ra các quyết định như: Quyết định truy tố bị can trước Tòa án (Điều 243 BLTTHS 2015), Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung (Điều 245 BLTTHS 2015), Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, Quyết định phục hồi vụ án (Điều 247, 248, 249 BLTTHS 2015) thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo cho bị hại.
Trong giai đoạn xét xử, Toà án giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị hại chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà (khoản 1 Điều 286 BLTTHS 2015). Các Quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của Tòa án được giao bị hại hoặc người đại diện của họ trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định (khoản 2 Điều 286 BLTTHS 2015). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị hại (khoản 1 Điều 262 BLTTHS 2015).