Quyền con người của người Việt gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay

Nguyễn Phan Khiêm| 26/03/2014 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyền con người ngày nay trở thành một trong những vấn đề mang tính thời đại, là mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới phải hướng tới và tự nguyện tuân thủ.

Danh mục các quyền con người, tiêu chí và chuẩn mực của quyền con người ngày nay là kết tinh từ tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một dân tộc có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Có có người nhận định: “Tổ tiên người Việt chúng ta đã tiến gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay”. 

Quyền con người, sợi chỉ đỏ xuyên suốt

Ở Việt Nam, do đặc thù lịch sử dân tộc là phải trải qua biết bao gian nan thử thách trong quá trình dựng và giữ nước, chống lại thiên tai địch họa, chống giặc ngoại xâm từ đời này sang đời khác nên tư tưởng quyền con người thể hiện cụ thể, trước hết ở quan niệm về khoan dung và nhân đạo. Vì điều kiện khắc nghiệt như vậy nên con người Việt Nam đề cao tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gian khó, cùng nhau đoàn kết, hy sinh vì lợi ích chung, bên cạnh đó là lòng khoan dung với người có lỗi lầm, thậm chí với cả quân xâm lược.

Dấu vết xưa nhất của những tư tưởng thô sơ về quyền con người thể hiện và lưu giữ rõ nhất qua dân ca, ca dao, tục ngữ như những câu đề cao lòng nhân ái “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; những câu lên án áp bức, bất công “Thừa quan rồi mới đến dân/ Thừa nha môn mới đến phần đò đưa”, “Trông lên cửu bệ trùng trùng trùng/ Những là gấm vóc tía hồng nguy nga/ Nhìn về đồng ruộng bao la/ Cùng đinh đóng khó phơi da mình trần”... những câu về lòng khoan dung như: “Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, “Chín bỏ làm mười”...

Quyền con người của người Việt gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay

Phan Châu Trinh - người đầu tiên đề xướng dân quyền tại Việt Nam

Tư tưởng quyền con người còn in đậm trong các tác phẩm của một số tác gia  trung đại, mà tiêu biểu nhất là Nguyễn Trãi (1380-1442). Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi khẳng định “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, trong đó ông căm phẫn lên án tội ác của giặc Minh với nhân dân ta “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/ Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn khóe/ Gây binh kết oán trải mấy mươi năm... Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ/ Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng...” nên “Lòng người đều căm giận/ Trời đất chẳng dung tha”...

Một tác gia lớn khác là Nguyễn Du (1765- 1820) tác giả của Truyện Kiều, đồng thời là tác giả Văn tế thập loại chúng sinh nổi tiếng, trong đó ông chiêu hồn cho nhiều loại người khác nhau, hướng chủ yếu về những thân phận nhỏ bé, yếu thế trong xã hội đương thời. Bài văn tế thấm đượm một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Những thân phận bé mọn, cùng khổ ấy dưới ngòi bút của Nguyễn Du được an ủi và đồng cảm: “Cũng có kẻ đi về buôn bán/ Đòn gánh tre chín rạn hai vai/ Gặp cơn mưa nắng giữa trời/ Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?... Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp/ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con tá biết là cậy ai?... Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu/... Cũng có kẻ mắc oan tù rạc/ Gửi mình vào chiếu lác một manh/ Nắm xương chôn rấp góc thành/ Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi”...

Sang thế kỷ XX, nhiều vị trí thức Nho học và Tây học cổ súy cho tư tưởng quyền con người rất nhiệt thành như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926), Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)... 

Cụ Phan Bội Châu có nhiều vài vè cổ súy dân chủ, dân sinh, nhân quyền. Ví dụ trong Nam quốc dân tu tri ( Quốc dân nam giới cần biết)  năm 1925, cụ có bài về Quyền lợi: “ Đạo trời rất phải/ Luật người rất công/ Nghĩa vụ đã xong/ Há không quyền lợi... Trải xem pháp hiến/ Các nước văn minh/ Quyền lợi rành rành/ Của dân dân được... Quyền lợi rành rành/ Đồng bào phải biết”. Hay bài Nghĩa hai tiếng tự do: “ Đạo trời đã định/ Mình được tự do... Tự do đường này/ Ấy là chân chính”...

Cụ Phan Chu Trinh là nhà hoạt động chính trị đầu tiên khởi xướng dân quyền ở Việt Nam từng phát biểu: “Bên Pháp, mỗi khi  người có quyền thế hay Chính phủ, lấy sức mạnh mà đè quyền lợi riêng của một người hay hội nào đó thì người hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến công bình mới nghe” ( Bài diễn thuyết tại Hội “Việt Nam”, Sài gòn, đêm 19/11/1925).

Hay Phan Khôi (1887-1959) trong bài Dù được ngôn luận tự do, chúng ta cũng chưa chắc sử dụng được cái quyền ấy, đăng trên tờ Sông Hương, năm 1936 có viết: “Tự do ngôn luận là một cái quyền trong các thứ dân quyền. Đã là cái quyền thì phải do dân dùng sức mạnh của mình giành lấy mà được, chứ không phải do người bề trên ban cho mà được... Mục đích của việc làm sáng láng là để tương lai lấy được quyền tự do ngôn luận. Chưa biết ngày nào mới lấy được, nhưng mà lấy, chứ không phải xin.”.

Quyền con người của người Việt gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay

Bộ luật Hồng Đức quy định người miền núi phạm tội thì được xử theo phong tục miền núi

Một dấu mốc đặc biệt quan trong trong tư tưởng quyền con người ở Việt Nam là bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay lời mở đầu, bản Tuyên ngôn đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “ Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được hưởng tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Bản Tuyên ngôn độc lập  đã xác định một nội hàm mới, có ý nghĩa đặc biệt đối với quyền con người, đó là quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc.

Suốt 60 năm qua tư tưởng quyền con người ở Việt Nam dù có những lúc nhận thức khác nhau nhưng đến nay đã có những bước tiến rất dài. Tiêu biểu nhất là Hiến pháp mới, được Quốc hội thông qua năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, trong đó có một Chương riêng về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và vị trí của Chương xếp ngay sau Chương 1. Trong Hiến pháp này, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về quyền con người, cũng như những thành tựu về quyền con người của nhân loại, thông qua những Tuyên ngôn, Công ước mà Việt Nam đã tham gia đều đã được chắt lọc để ghi nhận thành những quyền hiến định.

Quyền con người trong pháp luật xưa

Tư tưởng quyền con người còn được thể hiện trong tập quán và pháp luật Việt Nam thời phong kiến. Trước hết là Quốc triều hình luật ( Bộ luật Hồng Đức) được ban hành thời Hậu Lê ( thế kỷ XV) dưới thời Lê Thánh Tông. Mặc dù không tránh khỏi quy luật chung hà khắc của pháp luật phong kiến, nhưng bộ luật này có những quy định hết sức nhân văn, đề cao quyền con người. Ví dụ, Điều 15 Chương Danh lệ quy định: “Những người bị tội đồ, lưu, còn đương đi giữa đường mà gặp dịp ân xá, thì cũng được ân xá theo luật”. Hay Điều 12 Chương Hộ hôn: “Những người góa vợ, góa chồng, mồ côi và người tàn tật nặng, nghèo khổ không có người thân thích để nương tựa, không thể tự mình mưu sống được mà quan sở tại bỏ rơi họ thì bị xử đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo, mà quan lại ăn bớt đi thì phải khép vào tội như người giữ kho ăn bớt của công”. Hay có những điều luật bảo vệ phụ nữ rất hay như Điều 25 Chương Hộ hôn: “Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn một năm...”.

Luật còn quy định “nếu gia đình không có con trai thì người con gái trưởng được giữ hương hỏa và thờ phụng cha mẹ, tổ tiên như con trai trưởng... Câu tục ngữ “vô nam dụng nữ” ta thường nghe lại làm chứng rõ rệt cho tập tục ấy” (Đào Duy Anh – Việt Nam văn hóa sử cương).

Đến Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) ban hành năm 1813 dưới triều vua Gia Long, mặc dù bị chỉ trích là sao chép Hình luật nhà Thanh (Trung Quốc) rất hà khắc, nhưng trong đó cũng chứa đựng những quy định thấm đượm tinh thần nhân bản. Đơn cử Điều lệ 1 Phần Danh lệ: “Phàm cả anh em trai đều phạm tội và đều bị kết án tội chính thì một trong hai người được ở lại nuôi cha mẹ”. Hay đối với phụ nữ, Điều 12 Quyển 20 quy định: “Phàm đàn bà phạm tội, trừ tội gian dâm và tội chết mới bị giam cầm, còn những tội khác thì trách phạt rồi giao cho chồng y quản cố”. Điều 17 khoản 268 lại quy định: “Người nào dùng lời thô tục, dâm đãng làm cho người đàn bà đến xấu hổ mà tự tử thì phải xử đến hình giảo giam hậu”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền con người của người Việt gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay