Theo quy định tại khoản 1, Điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, chủ sử dụng lao động không chỉ chi thưởng bằng tiền mặt mà có thể trả bằng hiện vật và các tài sản khác có giá trị như tiền.
Như vậy, hiện vật thưởng Tết có thể là hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hoặc các phiếu mua hàng, phiếu nghỉ mát… Quy định mới này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, đa số người NLĐ cho rằng quy định này là không phù hợp và chỉ thích “quy ra thóc” – chi tiền mặt.
Chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi “không cảm thấy lo ngại về quy định này” bởi quy định tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp - có thể trong thực tiễn cuộc sống diễn ra mà NLĐ cũng muốn. Vị đại biểu Quốc hội này lưu ý, nếu như doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm mà không ngang bằng với giá trị tiền thưởng thì chính là đã cúp tiền thưởng của NLĐ.
Mặc dù Tết năm 2020 chưa áp dụng, nhưng từ năm 2021 khi luật có hiệu lực thi hành thì Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn. Và nội dung này phải được quy định hết sức cẩn thận để đảm bảo giá trị thực tế của hiện vật không được thấp hơn giá trị tiền thưởng. Doanh nghiệp không được ép NLĐ phải nhận. DN chỉ được trả sản phẩm đó khi nào NLĐ hoàn toàn thỏa mãn.
Tuy nhiên, dư luận từ phía NLĐ cho rằng một khi đã được quy định trong luật, các DN có cớ để ép NLĐ nhận sản phẩm tồn kho, lỗi mốt, dịch vụ đắt đỏ. Người ta nhớ lại thời bao cấp từng bị nhận thưởng Tết bằng quần đùi, may ô, vải diềm bâu, gạch ngói, bát sứ, nồi xoong và nhiều loại sản phẩm khác. Được thưởng không lẽ không nhận. Mà nhận thì thua đơn thiệt kép vì cho không ai lấy, bán không ai mua hoặc tiền bán sản phẩm không bằng giá trị tiền thưởng.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao không quy định mức thưởng mà lại quy định cách thưởng? Lâu nay việc thưởng Tết rất cám cảnh bởi người ăn không hết, kẻ lần không ra. Có nơi chỉ được thưởng rất bèo dăm chục ngàn đồng nhưng có nơi được nhiều triệu, được tháng lương 13, 15…
Nhân chuyện thưởng Tết, NLĐ là viên chức các cơ quan hành chính sự nghiệp càng ngao ngán vì không có thưởng. Có nhà giáo cho đến khi rũ bụi phấn, cầm sổ hưu vẫn chưa một lần có thưởng Tết. Viên chức văn phòng bộ nào ít doanh nghiệp trực thuộc cũng chỉ có khoản tiền thưởng đủ mua một thùng bia.
Hẳn vì vậy các chuyên gia và cán bộ công đoàn đều mong muốn có quy định cơ chế để thanh tra, kiểm tra, xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đúng việc chi thưởng cho NLĐ bằng đúng giá trị tiền thưởng. Đừng vẽ đường cho hươu chạy bằng quy định chung chung mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Ai dám bảo đảm rằng chủ doanh nghiệp sẽ chi thưởng nghiêm túc và NLĐ ở đây sẽ được nhận thưởng Tết đúng giá trị?
Xung quanh việc chi thưởng, các chuyên gia khẳng định, NLĐ có quyền từ chối nếu doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm dịch vụ mà họ không thích hoặc giá trị sản phẩm dịch vụ không đảm bảo bằng đúng tiền thưởng của mình.
Và nếu có cuộc thăm dò chính thức của tổ chức công đoàn, có lẽ đa số NLĐ được hỏi đều từ chối nhận thưởng bằng hiện vật.