Văn hóa - Du lịch

Quy Nhơn - thành phố “mùa nào cũng đẹp”

Đức Hồ 16/05/2024 - 11:25

Quy Nhơn, Bình Định từng 2 lần được vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN. Ở đây không khí trong lành mát mẻ, ngoài ẩm thực “ngon bổ rẻ”, còn có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, khiến du khách “quên lối về”.

Thành phố biển Quy Nhơn, mùa mưa chỉ kéo dài 2-3 tháng cuối năm, thời gian còn lại trong năm tiết trời khô ráo, đặc biệt khoảng thời gian tháng 3-9.

Mùa hè - từ tháng 5 đến 9, Quy Nhơn nắng nhưng không oi bức, khó chịu, không bị ảnh hưởng mưa bão, thích hợp để du khách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cả trên bờ lẫn dưới biển.

80384eac-438f-4416-a56c-c2a3b9d714b6.jpeg
Thành phố biển Quy Nhơn.

Quy Nhơn có rất nhiều đặc sản như: tré, bánh canh chả cá, bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi cháo lòng, nem nướng, nem cuốn, bánh mì lagu, bánh canh, bánh khọt tôm mực... Các loại hải sản tươi ngon như: ốc, sò, nghêu, hàu, tôm hùm, ghẹ, cá bóp, cua huỳnh đế...

Đặc biệt, Quy Nhơn có loạt điểm đến biển đảo nổi tiếng, như Nhơn Hải - Hòn Khô. Từ tháng 5 đến tháng 7 ở Hòn Khô, rong mơ vào mùa, mặt biển như được phủ một lớp thảm vàng lộng lẫy.

3fc2c5f4-b954-4e12-9712-eca98724d12e.jpeg
Người dân xã Nhơn Hải thu hoạch rong mơ.

Từ trung tâm thành phố, đi qua cầu Thị Nại, tới bán đảo Phương Mai rẽ phải là hướng tới làng chài Nhơn Hải. Hòn Khô và làng chài Nhơn Hải là điểm đến hấp dẫn nhờ vào cảnh đẹp hoang sơ và con người thật thà, chất phác.

Với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý cách trung tâm 25 km được nhiều người ví như Maldives Việt Nam. Du khách có thể đi bằng cano từ Eo Gió hoặc đi đường bộ tới Kỳ Co rồi đón tour cano tới Eo Gió hoặc các bãi lặn ngắm san hô.

af4c63e2-6f83-4c8a-9ee1-86ba2e5fcb5d.jpeg
Khu du lịch Eo Gió, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngoài các hoạt động tắm, lặn du khách có thể thuê chòi thư giãn bên bờ biển, chơi moto nước, dù kéo, cắm lều trại hoặc nghỉ tại khách sạn ngay trong khu du lịch. Bãi Kỳ Co một mặt giáp biển, ba mặt giáp núi đồi, sóng êm và nước xanh, lý tưởng cho một chuyến nghỉ hè ngắn ngày.

Cách Kỳ Co không xa là Eo Gió, nơi có con đường đi bộ ôm theo sườn núi và view biển đẹp ngoạn mục. Vé tham quan Eo Gió 25.000 đồng một người, sau khi tham quan con đường bộ du khách dư thời gian nên ghé qua Tịnh xá Ngọc Hòa, Linh Phong Sơn Tự... Tour một ngày đi cano, lặn ngắm san hô, ăn trưa hải sản ở Kỳ Co - Eo Gió.

ccaf6254-6742-48d6-9dbe-fe6544002ec6.jpeg
Kỳ Co được biết đến như là thiên đường Maldives của Việt Nam với vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình hiếm thấy.

Khu dã ngoại Trung Lương, thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, khu dã ngoại này là một trong những điểm đến yêu thích nhất của giới trẻ. Bên trong khu dã ngoại gồm nhiều khu vực như cắm trại, ngủ nhà lều, bãi tắm và chơi các trò dưới biển, nhà hàng, quán cà phê, cổng trời check-in... Ngoài ra, tại đây cũng có nhiều khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp.

edd34b0a-7f04-4cc3-88f9-d3d6bab50739.jpeg
Khu du lịch dã ngoại Trung Lương.

Bình Định có nhiều di tích Chăm Pa, đặc biệt là các cụm tháp cổ có từ thế kỷ 13 - 14. Khi du lịch gần thành phố Quy Nhơn, du khách nên ghé tháp Đôi và tháp Bánh Ít. Đây là sự lựa chọn cho du khách nếu muốn khám phá nền văn hoá Chăm Pa của tỉnh này.

cc42c5bf-70c8-42c2-bf05-8bf4c9eeb6ef.jpeg
Tháp Dương Long.

Bình Định vốn được biết tới với vùng đất võ Tây Sơn và nhiều làng nghề nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến là làng nghề dệt chiếu cói tại thị xã Hoài Nhơn, đây là một nghề truyền thống của địa phương. Những cánh đồng cói xanh rì, được chăm sóc bởi bàn tay cần cù của người dân bản địa.

7621b6df-d234-4dad-bed3-bf5b3521bdbe.png
Người dân thu hoạch cói.

Nhà thờ Lòng Sông là cái tên thân quen của nhân dân trong vùng đặt cho Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Nhà thờ được đặt tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Đây cũng là tu viện dành cho tiểu chủng đến tầm đạo và tu dưỡng.

a6a66f7f-0aa8-4c4b-82ac-e2cac1e034c2.jpeg
Tiểu chủng viện Làng Sông.

Từ đằng xa nhìn lại, nhà thờ uy nghiêm hiện lên giữa khung cảnh xanh mát mắt của cây cối, của đồng ruộng, có thể nhận thấy rõ nét kiến trúc Gothic hiển hiện trên những chi tiết trang trí bên ngoài nhà thờ: những cột trụ xây chìm trong tường, được nối liền qua mỗi tầng, cấu trúc chung hình chóp, giảm dần quy mô từ dưới lên trên để trọng tâm tòa nhà không rơi ra ngoài; chính điện có nhiều lối vào, đều có vòm cong tròn.

Hai bên tả hữu chính điện là hai tòa nhà làm nơi cư trú cho các tu sinh, được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc của Pháp. Nhà thờ Lòng Sông là một địa điểm du lịch ở Bình Định không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến đây.

307f0efa-b0f2-4b4c-a086-f40f940c1542.jpeg
Biển Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tượng phật Thích Ca cao 69m trên đỉnh Chóp Vung trên tuyến đường ven biển ở huyện Phù Cát (Bình Định) thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng mỗi năm.

d35ac960-9f0c-4b13-b563-e5e9b20a4b54.jpeg
Tượng Phật Thích Ca tại chùa Linh Phong.

Tượng Phật Thích Ca thuộc Dự án quần thể du lịch sinh thái và tâm linh tại chùa Linh Phong (còn gọi là chùa ông Núi), xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Chùa tọa lạc bên tuyến đường ven biển ĐT 639 đoạn qua xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) và Quốc lộ 19 B nối sân bay Phù Cát với thành phố Quy Nhơn. Tượng được thiết kế trên một tòa sen nằm trên đỉnh núi Chóp Vung, cách mặt nước biển 129m. Đức Phật có hướng nhìn ra Biển Đông, sau lưng ngọn núi cao nhất trong quần thể khu di tích Núi Bà.

Đầm Thị Nại, một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Bình Định, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ và cảnh quan tuyệt đẹp của nó. Đây là một trong những khu du lịch có sự pha trộn hoàn hảo giữa biển, đồi cát và rừng ngập mặn và cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích các hoạt động giải trí như chèo thuyền kayak, lướt ván trên đầm, câu cá và tắm biển.

b029bc84-0bb0-4c92-99f1-bb3d25f36d1c.jpeg
Cồn Chim trên trải rộng gần 500ha nằm giữa rừng ngập mặn đầm Thị Nại.

Huyện miền núi Vân Canh, Bình Định là một trong những địa phương giữ gìn và phát huy khá tốt nhiều lễ hội văn hóa dân gian Chăm H’roi, Bana trong đời sống.

Cộng đồng người Ba Na ở đây lưu giữ một nền văn hóa phong phú đặc sắc, trong đó Lễ hội mừng lúa mới, một nghi lễ nông nghiệp phản ánh sinh động bản sắc văn hóa của cộng đồng dân làng.

2a4af6d7-5eb3-4343-a2c5-d5187b7c6dd9.jpeg
Lễ hội mừng lúa mới của cộng đồng người Ba Na tại huyện Vân Canh.

Nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà; đánh giá lại kết quả một năm lao động. Lễ hội cũng là dịp để mọi người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm mới sản xuất hiệu quả và sung túc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy Nhơn - thành phố “mùa nào cũng đẹp”