Ngày 4/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã thông tin về Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều nội dung thể hiện tư duy, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Quốc gia và vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch đưa ra 7 quan điểm phát triển
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển, đảm bảo tính khả thi; được chia thành 5 phần, gồm 41 đề mục thể hiện đầy đủ 16 nội dung chính theo Điều 27 Luật Quy hoạch.
Thứ nhất, phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.
Thứ hai, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, toàn diện; tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Phát triển kinh tế đi kèm với giữ gìn bản sắc các dân tộc; phát triển dựa trên các trụ cột, trọng tâm chính: đầu tư, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, động lực cho nền kinh tế cất cánh;
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả khu vực công và tư; Công nghiệp luyện alumin, luyện nhôm và chế biến, chế tạo sau nhôm; Nông nghiệp quy mô lớn theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Thứ ba, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là tăng dần kinh tế số, chuyển đổi số.
Quá trình phát triển phải tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo bền vững, lấy con người là trung tâm và là nguồn lực phát triển quan trọng nhất.
Phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,… đảm bảo mức sống cao cho người dân. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các nhóm dân tộc trong tỉnh.
Thứ tư, phát triển tập trung vào các đô thị trọng điểm của các tiểu vùng, phát triển hệ thống đô thị phù hợp với không gian kinh tế - xã hội, với điều kiện của từng địa phương, các đô thị trở thành động lực phát triển của tỉnh, mang dấu ấn đậm nét của tiểu vùng Nam Tây Nguyên.
Thứ năm, kết cấu hạ tầng phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại, tôn trọng và dựa vào địa hình, tự nhiên; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường cao tốc, đường sắt; phát huy tốt vai trò gắn kết không gian giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng kinh tế, sản xuất với kết cấu hạ tầng xã hội chủ chốt: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa.
Thứ sáu, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích nghi, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan. Khai thác tối đa hiệu quả các loại hình sử dụng đất; khai thác quỹ đất chưa sử dụng một cách hợp lý.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới, tăng cường, thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị với tỉnh Mondulkiri/Vương quốc Campuchia, thông qua các mối liên kết chính trị, kinh tế vùng bền vững.
Các định hướng lớn tạo đột phá trong quá trình phát triển
Theo đó, 3 đột phá gồm: Tổ hợp công nghiệp bôxít - nhôm - luyện kim và công nghiệp năng lượng sạch; Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và công viên địa chất.
Quy hoạch 11 đô thị, cụ thể: 4 đô thị cấp tỉnh: Đô thị Gia Nghĩa (đô thị loại II), đô thị Đắk Mil (đô thị loại III), nâng cấp đô thị Đắk R’Lấp, Ea T’Ling (nâng cấp lên thị xã) và từng bước xây dựng các tiêu chí để đạt đô thị loại III; 4 đô thị cấp huyện và 3 đô thị chuyên ngành.
3 vùng động lực: vùng động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R'lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê, với hạt nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa; vùng động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T'ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (H. Krông Nô) tạo thành cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Đắk Nông kết nối TP. Buôn Mê Thuột; vùng động lực phía Tây Bắc hình thành từ chuỗi đô thị chạy dọc hành lang kinh tế biên giới Quốc lộ 14C, với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil và 2 đô thị Đức An và đô thị Đắk Buk So.
4 hành lang kinh tế: Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và trục cao tốc CT2 (Ngọc Hồi - Chơn Thành: Trục hành lang Bắc - Nam trung tâm); Trục hành lang Bắc - Nam phía Tây Đắk Nông là Quốc lộ 14C, hành lang an ninh kinh tế mậu biên; Quốc lộ 28 - Trục hành lang kinh tế đô thị du lịch - thương mại - dịch vụ: Trục phát triển theo Quốc lộ 28 và các trục Đông – Tây khác liên kết hỗ trợ.
4 nền tảng chính: nguồn lực và văn hóa con người Đắk Nông; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.