Chính trị

Quy định mức trần giá vé để người thu nhập thấp tiếp cận các hãng hàng không

Nguyên Bình 23/05/2023 - 21:19

Chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan đến phần thảo luận của đại biểu về Luật Giá (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến đã qua rất nhiều vòng, nhiều lần, đã bàn đi, bàn lại và trình cấp có thẩm quyền. Hiện, những vấn đề cốt lõi đã được tiếp thu và đưa vào trong dự thảo Luật.

230520230546-z4369948743870_95ccdac241c0131bed149b757a2ae982.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp chiều nay 23/5.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu cho rằng, không nên quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Việc bỏ giá trần, giá sàn này cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác nhau, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp cũng được tiếp cận với các hãng hàng không, đa dạng hóa và từ đấy giảm được chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh của các hãng hàng không cần phải quy định một giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng luôn chia sẻ với các doanh nghiệp. Ví dụ, như đối với xăng, dầu trong hàng không, mấy năm nay Nhà nước đã giảm 70% thuế môi trường trong xăng dầu cho các hãng bay để đảm bảo hạ giá thành, quản lý và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc giữ giá trần là cần thiết.

Còn về giá sàn, Bộ trưởng cho hay, kinh nghiệm của quốc tế, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ cũng đã bỏ giá sàn. Chúng ta cũng vì lợi ích của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch và hơn nữa là các hãng hàng không cũng có dải giá rất rộng, từ 10 đến 15 bậc. Vì vậy, không phải giá nào cũng đưa xuống dưới giá sàn mà từng chuyến bay, từng đối tượng và từng nhóm đối tượng. Vậy nên, thống nhất với ý kiến của đại biểu là chúng ta bỏ giá sàn.

230520230347-z4369407766646_4e4c79930ea4bd36e5910af4079e9376.jpg

Liên quan đế giá sách giáo khoa, trong phần thảo luận buổi chiều nay, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhắc lại việc tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính – Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc lúc đó đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Tuy nhiên khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đề xuất đưa ra khung giá thì cũng tương tự như giá hàng không để đảm bảo cho quyền lợi của người học, tức là đảm bảo giá rẻ. Còn đối với các doanh nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo với Ủy ban Tài chính- Ngân sách, UBTVQH, các cơ quan này cũng đồng thuận là bỏ giá sàn, chỉ quy định giá trần, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Liên quan đến đề xuất của đại biểu về việc nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết lý do không đưa giá điện vào trong bình ổn giá, vì giá điện đã được đưa vào trong định giá rồi, nên không đưa vào bình ổn nữa. Định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân, vì nhiều lý do. Thứ nhất là, hiện nay nguồn lực phải đảm bảo, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, hoặc vấn đề doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là Tập đoàn EVN (Tập đoàn có vốn của Nhà nước chiếm trên 50%). Thứ hai là, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách cho phù hợp. Vậy nên xin phép chưa tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng nói.

Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xác định rằng việc duy trì Quỹ này là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 17 ĐBQH phát biểu, 1 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình các vấn đề đại biểu nêu.

Các ý kiến đóng góp đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mức trần giá vé để người thu nhập thấp tiếp cận các hãng hàng không