Mỹ từng lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc (Kỳ cuối)

Minh An(TH)| 06/05/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ cuối: Lý do nào khiến Mỹ từ bỏ kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc?

Sau khi âm mưu dùng biện pháp phi vũ lực bóp nghẹt chương trình hạt nhân của Trung Quốc bị phá sản, trong nội bộ chính quyền Mỹ lại xuất hiện ý tưởng tấn công quân sự vào các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc. Theo tiết lộ của một quan chức cao cấp trong chính quyền Kennedy khi đó, Nhà Trắng từng xem xét khả năng liên thủ với Cremli, sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tấn công triệt phá các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc. Kế hoạch này cũng đã được thông báo cho Mátxcơva. Tuy nhiên, tại Mỹ, những tiếng nói phản đối kế hoạch tấn công các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc ngày càng mạnh. Chính vì vậy, Ủy ban kế hoạch chính sách chính phủ Mỹ được lệnh nghiên cứu vấn đề liệu chương trình hạt nhân của Trung Quốc có gây ra những tổn thất không thể bù đắp lại cho Mỹ hay không.

Mỹ từng lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc (Kỳ cuối)

Du khách thăm quan nơi từng được sử dụng làm các thí nghiệm hạt nhân.

Tháng 7/1963, Robert Johnson, người được giao chấp bút công trình nghiên cứu này đã hoàn thành bản báo cáo dài 200 trang, đưa ra kết luận ngược với nỗi lo sợ của nhiều quan chức Mỹ. Johnson cho rằng về căn bản Oasinhtơn không cần phải tỏ ra căng thẳng trước việc Trung Quốc sắp sửa có bom nguyên tử và cũng không cần phải có sự điều chỉnh lớn nào trong chính sách đối với Trung Quốc. Báo cáo viết: "Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân làm chiếc ô bảo vệ cho sự xâm lược. Ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò uy hiếp đối với Bắc Kinh. Trong tương lai gần, năng lực của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi quan hệ và sự cân bằng về sức mạnh giữa các nước lớn ở châu Á. Do vẫn nằm trong phạm vi có thể tấn công của Mỹ, nên Trung Quốc nhất định sẽ phải cân nhắc tới sự nguy hiểm của đòn phản kích hạt nhân từ Mỹ. Trung Quốc tuyệt đối sẽ không sử dụng bom nguyên tử trước, mà chỉ lấy nó để răn đe kẻ nào có thể có ý định tấn công Trung Quốc".

Tháng 10/1963, Johnson rút gọn bản báo cáo của mình xuống còn 100 trang để phổ biến cho các bộ ngành trong chính quyền Mỹ. Quốc vụ khanh D. Rusk rất tán thành với những gì bản báo cáo nêu. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, tướng Taylor cũng nói rõ là ông ta không tin người Trung Quốc muốn xảy ra một cuộc đại chiến hạt nhân và cũng không có bất cứ chứng cứ nào cho thấy người Trung Quốc thích chiến tranh. Có thể chính những sự phản đối này đã khiến Kennedy không hạ quyết tâm biến những ý tưởng tấn công các căn cứ hạt nhân Trung Quốc thành hành động cụ thể tới tận khi bị ám sát vào tháng 11/1963.

John Kennedy tử nạn, phó Tổng thống Lyndon Johnson lên thay, tiếp tục xem xét khả năng và sự cần thiết của việc tiến công các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc. Trung tuần tháng 12/1963, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ hoàn thành phương án hành động tấn công đường không nhằm vào các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 4/1964, theo yêu cầu của lãnh đạo, Robert Johnson đưa ra phương án 4 điểm, gồm: 1/ việc tấn công đường không các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc do một mình Mỹ tiến hành; 2/ việc tấn công đường không các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc do không quân Quốc dân Đảng thực hiện; 3/ thuê đặc vụ thực hiện hoạt động phá hoại mặt đất ở Trung Quốc; 4/ tiến hành tiếp tế đường không cho quân đội Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, Robert Johnson cũng cảnh báo việc thực hiện đòn đánh phủ đầu quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc là không nên. Đó không chỉ là bởi nếu không nhận được sự hợp tác của Liên Xô sẽ không làm được, mà còn là do nếu cứ khăng khăng tiến hành nước Mỹ có thể phải trả một giá quá đắt về chính trị.

Ngày 15/9/1964, Tổng thống L. Johnson triệu tập hội nghị đặc biệt thảo luận nên đối phó như thế nào đối với việc Trung Quốc sắp sửa có vũ khí hạt nhân. Những nhân vật tham dự hội nghị đã bác bỏ kế hoạch nước Mỹ một mình đánh đòn phủ đầu quân sự đối với các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc. Bởi cho dù hành động này có thành công (ngăn chặn hoặc kéo dài khả năng Trung Quốc thành quốc gia hạt nhân) thì cái giá phải trả của Mỹ là rất đắt. Hơn nữa, đối thủ chủ yếu của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn là Liên Xô. Nếu Mỹ tiến công Trung Quốc, sự thù địch của người Trung Quốc đối với Mỹ sẽ không chỉ là ngày một ngày hai và có thể sẽ đưa Trung Quốc trở lại phe Liên Xô. Tổng thống L. Johnson đồng ý với sự thống nhất chung của mọi người. Mỹ chính thức từ bỏ kế hoạch tấn công các căn cứ hạt nhân của Trung Quốc.

Ngày 16/10/1964, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, trở thành nước thứ 5 trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Johnson đã tìm mọi cách hạ thấp ảnh hưởng của sự kiện này và cho rằng việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân là không có gì ngạc nhiên. Theo Tổng thống Mỹ Johnson, Mỹ và các nước phương Tây "nhận thức được ý nghĩa hữu hạn của việc Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên" và không cần phải lo lắng rằng việc này sẽ "lập tức dẫn đến nguy cơ chiến tranh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ từng lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc (Kỳ cuối)