Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Bình Nguyên| 14/06/2022 14:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

202206140908536322_dai-bieuu-0614.jpg

Cần phát huy vai trò MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội

Phát biểu thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động; phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Các ý kiến cũng đề nghị rà soát lại để quy định những vấn đề thực sự cần thiết liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân để quy định cho phù hợp.

Đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó là thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân địa phương.

Luật cũng cần quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân.

Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng. Xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

202206141252036051_12.-luong-van-hung-quang-ngai-0614.jpg
Đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thì cho rằng: Nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đảm bảo cho các quyết định của cộng đồng dân cư. Cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu cũng đề cập đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Trong dự thảo luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước về doanh nghiệp nhà nước là một tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát việc sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có. Vì thực tế trong thời gian qua, việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là việc công khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đại biểu, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định chủ trương Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.

Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm chế định quy định về đảm bảo thực hiện các ý kiến kết luận về kiểm tra, giám sát của nhân dân và của Ban thanh tra nhân dân trong thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với các vấn đề chung của cộng đồng dân cư và hoạt động công khai của cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trong việc chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dân chủ ở khía cạnh quan hệ chính quyền và người dân

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa- TP Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo Luật cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân. Nghị quyết Đảng nêu rõ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để giải quyết tình trạng mất dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước và nhân dân. Đại biểu cho rằng nếu phạm vi áp dụng của luật này mở ra quá rộng, liên quan đến những loại quan hệ đã được điều chỉnh bằng Hiến pháp và các luật khác thì sẽ có nguy cơ làm xáo trộn quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác.

Theo đại biểu, trong những luật hiện hành đã xử lý nội dung về quan hệ dân chủ ở trong đó, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa hợp tác xã và xã viên, giữa Hội đồng quản trị và các cổ đông… nên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là không phù hợp.

202206141252036207_16.-truong-trong-nghia-tp.hcm-tranh-luan-0614.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật thực hiện dân chủ đạt chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, đây cũng là một dự án luật có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù trong thể chế chính trị, pháp luật của Việt Nam, là một dự án Luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất chế độ ta, là mục tiêu và là động lực để phát triển xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả, đồng thời bổ sung, phát triển, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các cái văn bản luật hiện hành.

Nội dung thực hành dân chủ trong dự thảo Luật được trình bày theo mạch trình tự phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

pham-tra.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình một số nội dung liên quan.

Tuy nhiên, từ quan điểm, nguyên tắc, cách tiếp cận để xây dựng Luật có những mặt tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện thêm để đảm bảo yêu cầu chất lượng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở