Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Mai Thoa| 14/06/2022 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/6, với tỷ lệ 91,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Theo đó, Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

dsc_4071.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động.

Theo Luật này, lực lượng CSCĐ được sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự..

Cảnh sát cơ cộng được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ khi chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ.

Theo đó, ngày 26/5/2022, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường và cơ bản nhất trí về dự thảo Luật CSCĐ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội và báo cáo  việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố vì đây là nhiệm vụ chủ yếu của CSCĐ.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bạo loạn, khủng bố là những tình huống có tính chất nghiêm trọng và phức tạp, nên khi vụ việc xảy ra đòi hỏi phải xử lý nhanh chóng, linh hoạt, áp dụng các biện pháp công tác có tính chất nghiệp vụ đặc thù; đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không quy định cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ này trong dự thảo Luật.

bui-cuong.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trước khi được thông qua.

Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 15), có ý kiến đề nghị bổ sung quyền nổ súng vào tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại khoản 1 để phù hợp với quyền hạn của CSCĐ tại khoản 3 Điều 10, vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định trường hợp này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để thực hiện quyền “ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, CSCĐ có thể sử dụng các biện pháp, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại (phá sóng, chế áp điện tử…) mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Quy định tại khoản này không bao gồm việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9), dự thảo Luật đã bổ sung quyền hạn tại khoản 3 Điều này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để xác định phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay và phân công trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của CSCĐ.

Trường hợp xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm khu vực bảo vệ mục tiêu mà vượt quá khả năng, thì CSCĐ có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để xử lý hiệu quả. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ quyền hạn ở khoản 6 để tránh lạm dụng vì hồ sơ thiết kế công trình của các tổ chức, cá nhân đã được quản lý, lưu trữ ở các cơ quan nhà nước. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin và tránh thương vong, tổn thất lực lượng khi vào công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện có cấu trúc phức tạp, rộng lớn xảy ra vụ việc, CSCĐ cần có sơ đồ, thiết kế để lựa chọn phương án phù hợp. Việc cung cấp sơ đồ, thiết kế thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước hoặc các đơn vị khác trong Công an nhân dân, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động