Chính trị

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Duy Tuấn 22/10/2024 - 21:28

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

1(1).jpeg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8.

Quốc hội sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp NCTN.

Trước khi kết thúc nội dung thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp NCTN

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Tư pháp NCTN có 11 chương, 176 điều (tăng 3 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội). Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung nhằm thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị có liên quan đến chính sách được thể hiện trong dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của luật (Điều 1), theo cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự đối với NCTN, xuất phát từ đặc điểm NCTN là người chưa trưởng thành về mọi mặt (thể chất, tinh thần, nhận thức và đạo đức), chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm.

2(1).jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đặc biệt, NCTN khi tham gia vào quy trình tư pháp hình sự dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế như khởi tố, bắt giam... Đặc điểm này đòi hỏi Nhà nước thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.

Với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp NCTN, 2 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong luật, tạo cơ sở cho việc thiết kế các nguyên tắc, chính sách, biện pháp xử lý, hình phạt và tố tụng thân thiện, phù hợp với đặc điểm NCTN.

Ngoài ra, đây là 2/6 nhóm chính sách được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Phạm vi điều chỉnh này bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, khuyến nghị của quốc tế về xây dựng luật Tư pháp NCTN.

Giữ nguyên quy định về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) (Điều 37), nhiều ý kiến nhất trí với 12 biện pháp XLCH, tên gọi và định nghĩa, nội hàm của từng biện pháp, phân biệt rõ các biện pháp được áp dụng độc lập và các biện pháp được áp dụng đồng thời như dự thảo luật.

Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo luật quy định 12 biện pháp XLHC, trong đó có 5 biện pháp kế thừa từ BLHS, bổ sung 7 biện pháp XLCH mới, tạo điều kiện cho cơ quan tố tụng có nhiều lựa chọn áp dụng phù hợp với từng đối tượng NCTN.

Các biện pháp được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành BLHS, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng các khuyến nghị của quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia có tư pháp NCTN hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến nhiều ĐBQH, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra giữ quy định của dự thảo luật về 12 biện pháp XLCH; quá trình triển khai thực hiện, sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên