UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây tình trạng đuối nước vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Để phòng, chống tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho trẻ em, nhân dân và du khách trong dịp hè và mùa du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh;
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh.
Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống đuối nước, nhất là đối với trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và đối với các công trình, dự án xây dựng;
Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng ngừa tai nạn đuối nước; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc tử vong do đuối nước.
Thường xuyên rà soát, đề xuất kịp thời UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND các địa phương. Cụ thể, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra thường xuyên công tác đảm bảo an toàn bãi tắm, bể bơi trên địa bàn chỉ cho phép hoạt động nếu đủ điều kiện; tổng rà soát, các địa điểm, vị trí, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn, có biện pháp khắc phục triệt để những tồn tại gây mất an toàn, hạn chế tối đa người dân tiếp cận các khu vực nguy hiểm.
Trong đó, yêu cầu thực hiện rà soát, bổ sung biển cấm tắm ở những nơi không được phép, các biển cảnh báo nguy hiểm tại các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở...; bổ sung phao cứu sinh dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp; vận động các hộ gia đình có ao, đầm tự trang bị áo phao, phao cứu sinh, sào cứu đuối để thực hiện ứng cứu tại chỗ.
Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước ngay từ đầu mùa hè; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, người dân, du khách với các hình thức phù hợp; tổ chức ngay các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè đảm bảo hiệu quả, chất lượng các lớp dạy bơi và cấp chứng chỉ cho học sinh đủ điều kiện sau khi học.
Cùng với đó, huy động các nguồn xã hội hóa của cá nhân, tổ chức xã hội, nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đầu tư bể bơi phù hợp cho việc tập luyện tại các địa phương, thuận lợi để quản lý, sử dụng.