Từ giữa tháng 5, khắp ngả đường dẫn vào phường Phương Nam (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) luôn nhộn nhịp bởi các phương tiện đến thu mua vải chín sớm, khiến vùng quê yên bình bỗng rộn ràng như khai hội.
Đặc sản vải chín Phương Nam
Vùng trồng vải chín sớm Phương Nam có diện tích gần 400ha, với khoảng 1.500 hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vải Phương Nam xuất hiện từ những năm 1966, tập trung tại các vùng quy hoạch như: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng.
Năm nay, vải Phương Nam ước đạt khoảng hơn 4.000 tấn. Đặc điểm của vải chín sớm Phương Nam có hình tròn, trọng lượng trung bình từ 25-30gam, cùi quả giòn và dày từ 0,93-1,2cm, tỷ lệ phần ăn được đạt 65-70%, vỏ mỏng khi chín có màu đỏ tươi. Mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu không chát. Hàm lượng nước từ 79-85%, đường tổng số từ 11,7-16,2%, Vitamin C từ 15-22%... Thời điểm thu hoạch vào giữa tháng 5, trước khi thu hoạch các loại vải khác từ 20-30 ngày.
Tới thăm vườn vải rộng 3ha của ông Nguyễn Tiến Dũng (khu Bạch Đằng I, phường Phương Nam), những hàng cây xum xuê quả chín đỏ, mọng nước luôn thu hút sự tò mò muốn ăn thử. Mùa vụ năm nay, ông Dũng ước sản lượng đạt từ 6-8 tấn quả, giá bán hiện tại trên 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí, ông Dũng thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh (khu Bạch Đằng I, phường Phương Nam) cho biết: “Với tiêu chuẩn VietGAP, người dân chúng tôi tuân thủ thời gian, thời lượng, quy cách, giám sát chặt chẽ trong việc sử dụng dưỡng chất cho cây, sử dụng hóa chất diệt trừ dịch hại, đến quy trình tỉa cành, tỉa quả... Vì vậy, toàn vùng trồng đều cho quả to, vị thanh ngọt, năng suất hiệu quả”.
Đến Phương Nam thu mua vải từ đầu tháng 5, anh Nguyễn Ngọc Dương là thương nhân đến từ tỉnh Lào Cai chia sẻ, anh thu mua vải của người dân tại vườn với giá từ 25.000-30.000 đồng, sau đó chuyển lên Bắc Giang và Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Thời điểm giữa tháng 5, cơ sở của anh xuất đi hơn 10 tấn vải/ngày, tăng dần đến sang tháng 6 khoảng 30-40 tấn/ngày.
Theo anh Dương, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng vải Việt Nam. Do có ưu thế vùng trồng vải chín sớm, nên vải Phương Nam nhanh chóng thu hút khách hàng. Một số người đến hỏi mua lại vải để bán lẻ quanh đây, nhưng anh từ chối vì phải đóng hàng gấp đưa đi vùng biên tiêu thụ.
Vải chín sớm Phương Nam không chỉ vận chuyển đi vùng biên, mà còn được nhiều thương lái mang vào miền Trung, miền Nam tiêu thụ. Với những ai biết đến thương hiệu vải Phương Nam, mỗi khi đi qua đây cũng đều mua về làm quà cho người thân, cùng thưởng thức hương vị vải đầu mùa.
Anh Nguyễn Quốc Cường, chủ nhà hàng tại TP. Uông Bí bộc bạch, ban đầu, anh chỉ mua khoảng 50kg vải chín sớm về nhà hàng để mang lên Hà Nội làm quà cho người thân, nhưng nhiều khách hàng đến hỏi mua nên anh bỗng dưng trở thành dân buôn bất đắc dĩ. Mỗi ngày, nhà hàng anh bán ra được 200-300kg vải, chủ yếu là khách ngoại tỉnh.
Sản phẩm OCOP tiêu chuẩn VietGAP
Nhằm định hướng quy hoạch giống cây trồng mang hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2017, TP. Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Dự án được thực hiện trên 300ha vải chín sớm của khoảng 1.000 hộ tham gia, với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.
Theo tiêu chuẩn, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam tuân thủ quy trình VietGAP phải chấp hành, áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.
Đến nay, năng suất, sản lượng, tiêu thụ đã có những cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2015, phường có 315ha trồng (288ha cho thu hoạch) chỉ thu hoạch được 1.050 tấn, doanh thu 31,5 tỷ đồng, thì đến năm 2020, phường đã đạt trên 372ha (diện tích thu hoạch 320ha), sản lượng ước đạt đến 4.000 tấn, cao hơn năm 2015 gần 3.000 tấn và tăng gấp đôi so với năm 2019, doanh thu 100 tỷ đồng.
Hiện nay, vải chín sớm Phương Nam đã trở thành cây trồng chủ lực và là một trong những sản phẩm OCOP của TP. Uông Bí.
Theo các hộ dân trồng vải chín sớm, nhờ trồng theo quy trình VietGAP nên quả vải đạt năng suất cao hơn, quả tròn, cùi dầy, tỷ lệ phần ăn được đạt 56-70%, vỏ mỏng, mùi thơm, vị ngọt mát, chua dịu, không chát.
Bà Nguyễn Ngọc Minh (khu Phong Thái, phường Phương Nam) trồng hơn 300 gốc vải, phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chăm sóc vải chủ yếu theo kinh nghiệm tự đúc kết, mạnh ai nấy làm. Nhưng nay, từ việc cắt tỉa, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều thực hiện theo đúng quy trình VietGAP. Nhờ đó, cây vải cho chất lượng cao hơn hẳn so với nhiều năm trước".
Để tránh tình trạng được mùa rớt giá, hàng năm TP. Uông Bí đều tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải chín sớm Phương Nam, kết nối với những khách hàng quen, các doanh nghiệp, cơ sở phân phối trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường… Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về sản phẩm quả vải đã giúp nâng cao giá trị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam