Ngày 8/9, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đang tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Bão số 3 vào tỉnh Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Bão đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Vân Đồn: Kiểm tra, khắc phục bão số 3, tìm kiếm được 6 người mất tích
Ngay trong sáng nay 8/9, huyện Vân Đồn đã thành lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3.
Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.
Sau khi triển khai công tác tìm kiếm trên biển đối với những người mất tích, đến 8h50 ngày 8/9, các lực lượng của huyện Vân Đồn đã tìm được 6 người mất tích.
Những người này là công nhân trông coi các bè nuôi trồng thủy sản, trong đó có 3 người thuộc hộ gia đình anh Long Văn Quảng. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.
Đông Triều: Khắc phục hạ tầng giao thông, sửa chữa nhà dân
Số liệu sơ bộ thống kê đến sáng 8/9, toàn địa bàn thị xã Đông Triều bị mất điện, tổng số cột điện bị đổ gãy là 277 cột (trong đó có 1 cột cao thế 110KV tại xã Bình Khê); 3.885 nhà nhà bị tốc mái; là 5.928 cây bị đổ gãy; 208ha hoa màu, 183ha lúa bị thiệt hại. Không có thiệt hại về người.
Sau cơn bão, các địa phương trên địa bàn thị xã đang tích cực khắc phục theo phương án 4 tại chỗ, ưu tiên khắc phục hạ tầng giao thông, hỗ trợ sửa chữa nhà ở của người dân, sửa chữa và khôi phục hệ thống điện.
Đồng thời, lực lượng chức năng và người dân tập trung dọn dẹp cây xanh, cột điện, mái tôn bị đổ, bay chắn ngang đường; hỗ trợ người dân ở các khu vực bị cô lập do nước dâng cao ngập tràn do hoàn lưu sau cơn bão.
Trước đó, tối 7/9, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả.
Sau khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ban ngành địa phương vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. "Bà con nuôi trồng thủy sản, các tàu du lịch đánh bắt cá bị chìm đắm, các hộ thiệt hại hoa màu và các gia đình bị tốc mái cần được hỗ trợ ngay", ông Huy nhấn mạnh.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 00h ngày 07/9 đến 00h ngày 08/9) tại tỉnh Quảng Ninh đã có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: TP. Hạ Long (Bằng Cả 217,2mm; An Biên 210,6mm; Hoành Bồ 194,2mm; TP. Cẩm Phả (UBND Thành Phố 245,8mm; Trạm KT Cửa Ông 130,2mm); TP. Móng Cái (Trạm KT Móng Cái 132,6mm)...
Đợt mưa vừa qua đã gây ra ngập úng cục bộ nhiều tuyến phố, đường giao thông và diện tích lúa, hoa màu với độ sâu ngập từ 0,3-0,5m tại các huyện thị thành phố trong tỉnh: TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, TX. Đông Triều, Quảng Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn; Các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô...
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, từ đêm về sáng ngày 8/9, toàn bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, sau có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (mưa to đến rất to tập trung vào đêm về sáng 8/9).
Mưa lớn cục bộ kết hợp với nước dâng do bão và lưu lượng lũ thượng nguồn có khả năng sẽ tiếp tục gây ngập úng cục bộ cho nhiều tuyến phố, tuyến đường giao thông và diện tích lúa, hoa màu, các khu vực trũng thấp ven sông, ven biển tại các địa phương huyện thị, thành phố trong tỉnh với độ sâu ngập từ 0,4-0,6m. Thời gian ngập có thể xảy ra vào đêm 8/9 sáng 9/9.
Mưa lớn có khả năng gây lũ trên các sông suối, các ngầm tràn giao thông; ngập úng ở vùng trũng thấp, khu đô thị, các tuyến phố; lũ quét và sạt lở đất ở những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt là các công trình giao thông đang thi công, bãi đổ thải than.