Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có ít nhất một trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 15/8, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Trịnh Đình Hải cho biết, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có ít nhất một trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Trong đó năm học 2023-2024, Quảng Ninh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng trường THPT: Bình Liêu, Cẩm Phả, Quảng La. Hiện nay đang tiếp tục triển khai xây dựng các công trình khác như: Trường THPT Trần Phú, THPT Ngô Quyền, THPT Uông Bí, THCS Hải Hà (Hải Hà), Tiểu học Đông Ngũ I (Tiên Yên), Tiểu học Đồng Tiến (Cô Tô)…
Để chuẩn bị năm học mới 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tích cực triển khai công tác bảo dưỡng, sửa chữa công trình trường học trong dịp hè 2023. Đối với khối trực thuộc Sở đang triển khai 06 công trình trường THPT: Đông Triều, Lê Chân, Lê Quý Đôn, Lý Thường Kiệt, Hải Đông, Cô Tô.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát nhu cầu sử dụng mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, cụ thể cho các lớp 2, 3, 4, 6, 7 và lớp 8. Nguồn kinh phí mua sắm tập trung được UBND tỉnh phân bổ tại Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 24/4/2023 là 444.746 triệu đồng phân bổ cho 13 địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thực hiện các quy trình trong việc tổ chức mua sắm thiết bị dạy học theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đủ 100% SGK cho học sinh, học viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển dụng, hợp đồng và thiếu ở giáo viên Tiếng Anh, Tin học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở và các địa phương đã triển khai xây dựng Đề án tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Đến thời điểm hiện tại, TP Hạ Long đã được phê duyệt đề án tự chủ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng Đề án tự chủ và đang nghị Sở Nội vụ thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Để khắc phục tình trạng thiếu cục bộ giáo viên giữa các nhà trường, Sở hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động, linh hoạt thực hiện rà soát sắp xếp giáo viên theo cơ cấu giữa các nhà trường: Sắp xếp bố trí giờ dạy để giáo viên có điều kiện được đi đào tạo nâng chuẩn trình độ; điều chuyển cân đối biên chế giữa các nhà trường để điều hòa mức độ thiếu hụt giáo viên; phân công bố trí nhiều lượt giáo viên dạy liên trường cùng cấp học để giải quyết tình trạng quá tải giờ dạy và thiếu cục bộ môn học; tiếp tục phân công giáo viên Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS hỗ trợ các trường Tiểu học, THCS; biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác; bố trí 01 kế toán làm việc cho nhiều trường khi chưa được bố trí tuyển dụng; giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định đồng thời rà soát nhu cầu thực tế để đề nghị tuyển dụng bổ sung, hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ để thay thế giáo viên nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác.