Tin địa phương

Quảng Ninh lập đề án tái thiết kinh tế sau bão số 3

Hoàng Hà - Tiến Thắng 20/09/2024 - 09:56

UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3.

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp khiến Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng với ước tính thiệt hại hơn 24.000 tỷ đồng.

Để sớm khắc phục thiệt hại sau bão, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế nhằm ổn định hoạt động sản xuất, tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại…

bao-so-3-2-(2).jpg
Bão số 3 khiến cơ sở hạ tầng là tâm huyết cả đời của nhiều người dân, doanh nghiệp thiệt hại nặng

Dồn lực tái thiết kinh tế sau bão

Với mục tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế… UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/9.

bao-so-3(2).jpg
Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp tại Quảng Ninh tan hoang, đổ nát sau bão số 3 với thiệt hại hàng tỷ đồng

Nội dung đề án này sẽ hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài. Đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp để tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: du lịch (phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn...), khai thác than (đầu tư khai thác xuống sâu, công nghệ sản xuất chế biến than...).

Đồng thời, nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian vừa qua (áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn...).

bao-so-3-5-(2).jpg
Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nắm tình hình và chỉ đạo công tác khôi phục hoạt động sản xuất

Doanh nghiệp cần nhiều “trợ lực” để phục hồi

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đang gặp rất nhiều khó khăn do những tác động của bão số 3.

Theo ông Thể, tâm tư của doanh nghiệp là cần được nhà nước khoanh nợ, hoãn, giãn nộp thuế, lãi suất ngân hàng và mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay mới với mức lãi suất thấp nhất có thể để có nguồn lực tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh.

bao-so-3-4-(2).jpg
Đã có hơn 50 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long khôi phục hoạt động đón khách tham quan

Theo nhiều doanh nghiệp, gần như toàn bộ tài sản đều đã được thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và bão số 3 đã lấy đi toàn bộ nên hiện tại khó có thể vực dậy nếu không có sự vào cuộc, hỗ trợ quyết liệt của Nhà nước và tỉnh.

Được biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh quyết định triệu tập kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa XIV để xem xét, quyết nghị ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ. Mục tiêu cao nhất của tỉnh là sớm khôi phục lại mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Ông Phạm Hồng Biên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết, tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ dự toán ngân sách từ đầu năm, cơ cấu lại các nhiệm vụ chi để dành tối đa nguồn lực chi khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề trong sản xuất, kinh doanh.

Việc dành nguồn vốn ngân sách nhà nước chi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3 là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên chưa thể là nguồn lực chính giúp người dân, doanh nghiệp sớm vực lại sản xuất, kinh doanh.

Điều cốt lõi mà doanh nghiệp, người dân cần vào thời điểm này là các ngân hàng khoanh nợ, hoãn giãn nộp lãi suất vay. Theo doanh nghiệp và người dân, nếu không được khoanh nợ thì lãi suất sẽ tiếp tục được cộng dồn, trong khi doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại tài sản, nhà xưởng không thể tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một sớm, một chiều.

Còn theo ông Vũ Đức Hưởng - Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, tại địa bàn huyện có trên 700 doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn ngân hàng để nuôi trồng thủy sản, với tổng số tiền trên 1.200 tỷ đồng.

“Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp, người dân phải trả lãi ngân hàng 3,6 tỷ đồng nên nếu không được khoanh nợ thì sẽ dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi, do gần như tài sản đã được thế chấp và những ô lồng nuôi cá, giàn hàu đã bị mất trắng do bão” – ông Hưởng cho hay.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3 là hoàn toàn xác đáng, phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ tại các ngân hàng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị tiếp thu đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh tổng hợp, tham mưu, báo cáo bộ, ngành liên quan và Chính phủ xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh lập đề án tái thiết kinh tế sau bão số 3