Dù không có mặt tại buổi họp, nhưng nhiều người dân trú tại tổ 4, tổ 5 khu 9B (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã được cán bộ địa phương “ký thay” vào biên bản đồng thuận thu hồi đất phục vụ dự án.
Trong đơn gửi đến Báo Công lý, các hộ dân cho biết: “Văn bản số 4588/QĐ-UBND tỉnh ngày 31/10/2018 chỉ phê duyệt xây dựng tuyến đường đấu nối QL18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, thế nhưng chính quyền địa phương lại thu hồi thêm hàng nghìn mét vuông đất của dân với giá rẻ để làm shop house thương mại. Hơn nữa, mức đền bù quá thấp khiến người dân gặp nhiều khó khăn, cuộc sống bị xáo trộn”.
Ban đầu, dự án mở rộng tuyến đường có tổng diện tích khoảng 2,2ha, sau đó mở rộng lên 8ha để lấy quỹ đất hai bên đường làm shop house
Bà Đoàn Thị Hiền - Tổ trưởng tổ 4 khu 9B (phường Quang Hanh) nói, nếu dự án thu hồi đất để làm đường giao thông đúng như quy hoạch ban đầu thì mọi người đều đồng thuận. Thậm chí, người dân sẵn sàng hiến vài mét đất để mở rộng làm đường.
“Nhưng UBND tỉnh chỉ phê duyệt dự án mở rộng tuyến đường với diện tích khoảng 2,2ha, đến khi TP Cẩm Phả thực hiện lại cố tình mở rộng lên 8ha để làm shop house. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc an cư, trồng trọt, chăn nuôi của chúng tôi", bà Hiền nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Hương (trú tại tổ 4 khu 9B, phường Quang Hanh) bức xúc kể: Ngày 18/2/2020, nhiều hộ dân cùng nhau đến UBND tỉnh gửi đơn kiến nghị và được hứa hẹn sẽ sớm giải quyết thắc mắc trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, đến sáng ngày 19/2/2020, lực lượng cưỡng chế đã đến phá dỡ nhà cửa khiến người dân không kịp trở tay, mọi thứ nhanh chóng bị san phẳng.
Đáng chú ý là trong biên bản cuộc họp lấy ý kiến đồng thuận về việc thực hiện dự án vào ngày 7/7/2018, tại nhà văn hoá khu 9B (phường Quang Hanh) còn xuất hiện nhiều chữ ký giả mạo gây bức xúc cho người dân.
Tuyến đường kết nối QL18 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) với đường bao biển Hạ Long
Anh Hoàng Trung Minh (trú tại tổ 5 khu 9B, phường Quang Hanh) nêu dẫn chứng: “Trong cuộc họp không hề có biên bản, nhưng sau đó xuất hiện nhiều chữ ký mạo danh của nhiều người. Bà Phạm Thị Nhít (90 tuổi) không biết viết, biết đọc mà vẫn có chữ ký trong danh sách những người đồng thuận. Riêng hộ nhà ông Nguyễn Quý Hướng dù không nằm trong dự án, không đi họp cũng có chữ ký trong biên bản”.
“Đất tái định cư dự kiến được UBND TP Cẩm Phả bán cho dân với giá từ 10-13 triệu đồng/m2. Tính ra hàng trăm mét đất vườn mới bằng một mét đất tái định cư. Hơn nữa, gia đình tôi bán hàng cạnh QL18 từ nhiều thế hệ, giờ di dời đến nơi xa xôi thì biết làm gì mưu sinh” - chị Nguyễn Thị Tân Huyền nêu băn khoăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đất vườn nằm trong diện giải toả được chính quyền địa phương đưa ra mức giá đền bù thấp nhất là 47.000 đồng/m2, còn đất mặt đường có giá từ 11-19 triệu đồng/m2. Theo danh sách thống kê, diện tích đất thu hồi chủ yếu là đất vườn, đất chưa có bìa đỏ nằm trong khung giá đền bù thấp.
Nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi bị cán bộ địa phương giả mạo chữ ký
Hơn nữa, quá trình thực hiện dự án còn nhiều khuất tất, cán bộ địa phương cố tình làm giả hồ sơ cũng là nguyên nhân chính khiến người dân đến nay vẫn chưa đồng thuận.
Trao đổi với PV Báo Công lý, một lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả thừa nhận: “Trong quá trình lấy ý kiến đồng thuận, một số cán bộ địa phương đã có những sai phạm nghiêm trọng, cố tình giả mạo chữ ký của người dân. Do đó, Thanh tra tỉnh đã tiến hành làm rõ vi phạm, điều chuyển công tác và kết thúc hợp đồng đối với những cán bộ sai phạm”.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này khẳng định, giá đất đền bù được tính toán theo quy định nhà nước, xây dựng, phê duyệt công khai trước khi giải phóng mặt bằng. Ở dự án này, việc thu hồi đất theo chủ trương của nhà nước nên không cần thoả thuận mức giá bồi thường với người dân.
Biên bản cuộc họp lấy ý kiến người dân về việc thực hiện dự án có nhiều chữ ký giả mạo
Cũng theo lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả, dự án sử dụng vốn ngân sách của tỉnh, thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt nên không có chuyện UBND TP Cẩm Phả tự ý mở rộng dự án từ 2,2ha lên 8ha. Riêng quỹ đất hai bên đường từ QL18 đến khu du lịch suối khoáng đã được phê duyệt.
Khi được hỏi về những văn bản cho phép mở rộng dự án, thu hồi thêm đất của người dân để quy hoạch shop house thì vị lãnh đạo cho hay: “Tất cả thể hiện trên văn bản quy hoạch”. Còn cụ thể là văn bản nào thì do thời gian eo hẹp, chưa kịp chuẩn bị, nên vị lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả chưa trả lời cụ thể.
Ngày 12/9/2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 72/QĐ-HĐND phê duyệt đầu tư dự án đường kết nối QL18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và chỉnh trang đô thị phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời giảm tải phương tiện lưu thông qua đây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, có hơn 40 hộ dân sinh sống tại tổ 4, tổ 5 khu 9B (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) bị thu hồi đất đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền cho rằng, việc đền bù và giải phóng mặt bằng thiếu minh bạch. Hiện phương án tái định cư đã được thành lập tại phường Cẩm Bình và Quang Hanh (TP Cẩm Phả) với diện tích từ 65-100/m2/nền đất. Tuy nhiên, “địa điểm tái định cư nằm khá “hẻo lánh”, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, cách xa trường học và bệnh viện…” là những lý do người dân chưa đồng ý với phương án trên. |