Văn hóa - giải trí

“Quảng Nam thất trạm” trên con đường thiên lý thời Nguyễn

Hải Nam 27/10/2023 - 21:44

Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho đắp đường thiên lý từ Quảng Trị trở ra Bắc. Đến năm 1809 tiếp tục đắp đường thiên lý từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận. Đường thiên lý trở thành con đường huyết mạch nối liền hai miền đất nước, đặt nền móng vững chắc cho những vua kế nghiệp xây dựng một quốc gia hùng cường.

Những nhà trạm mang vận mệnh quốc gia

Trên con đường này cứ khoảng 25 đến 30 dặm (khoảng 15-20km) thì đặt một nhà trạm để canh phòng và vận chuyển văn thư. Đầu thế kỷ 19 từ Hà Nội vào Hà Tiên, có 97 trạm. Đến năm 1831 đặt thêm 27 trạm, năm sau tăng lên 9 trạm. Tính đến giữa thế kỷ 19 có tổng cộng 133 nhà trạm trải dài từ Ải Nam Quan đến Hà Tiên.

Mỗi nhà trạm có biên chế khoảng 50 người, trang bị hàng chục ngựa tốt. Nhà trạm được xây bằng gạch hoặc tre, nứa, lá… theo kiểu nhà ba gian hai chái do Bộ Công qui định. Trên cửa ra vào có treo biển lớn sơn son thếp vàng dài ba thước hai tấc (khoảng 1m40 ngày nay), rộng một thước năm tấc viết chữ tên trạm. Ở sân nhà trạm trồng cột treo cờ vải vàng hình vuông, cũng viết to chữ tên trạm. Tất cả các nhà trạm đều được đặt sát bên đường. Những ống sớ làm bằng tre dùng để đựng công văn mở sẵn nắp, những lông gà, cờ sắc, bùi nhùi, con cúi đỏ lửa sẵn sàng bên pháo hiệu chờ lệnh Thừa trạm là lên đường. Tin hỏa tốc như thiên tai, địch họa, cứu binh…thì lính trạm cờ đỏ giắt lưng, lông gà đỏ giắt mũ, ngựa phi nước đại… Thư từ, công văn bình thường thay bằng màu xanh lơ, xanh lá tùy theo mức độ.

duong-cai-quan(1).jpg
Đường thiên lý cùng những bước chân "lưu dân" đi mở cõi

Thời gian chạy trạm do triều đình quy định tùy theo địa hình, nếu rút ngắn được thời gian thì được ban thưởng 5 quan tiền, nếu chậm trễ thì phạt đánh 10 roi hay xử tử… Triều đình cũng tạo điều kiện cho các phu trạm hoàn thành nhiệm vụ như được ưu tiên sang đò, ngựa giẫm phải người trên đường chạy hỏa tốc thì không bị bắt tội…Đến ngày lễ, sinh nhật các hoàng tử, công chúa các phu trạm đều được ban thưởng tiền, ngoài ra phu trạm còn tha khỏi đi lính, tha khỏi thuế thân, tha khỏi việc quan cũng như quan hạng.

Quản lý và điều hành các sự vụ của dịch trạm đều thuộc thẩm quyền của Ty Bưu chính. Nhân sự thời xưa gồm các chức như Chủ sự, Tư vụ, Thơ lại… đứng đầu mỗi nhà trạm là viên Thừa trạm, giúp việc là các phu trạm.

Những nhà trạm này có vai trò hết sức quan trọng trong việc tư báo về Kinh thành những tin tức thiên tai, địch họa xảy ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Trong lịch sử tồn tại của mình, các vua triều Nguyễn rất coi trọng các nhà trạm này. Trong cuộc chiến tranh năm 1858 nhận thấy tình hình Kinh đô Phú Xuân sẽ hết sức nguy hiểm nếu thực dân Pháp kiểm soát được con đường thư báo này nên bấy giờ vua Tự Đức chỉ đạo các tướng đóng ở Quảng Nam rằng “cửa biển ấy từ Hải Vân đến Cu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm để tiện thông hành”.

Danh xưng “Quảng Nam thất trạm”

Quảng Nam là tỉnh nằm sát vách Kinh đô, lại có cửa Hàn là cảng biển quan trọng bang giao với các nước phương Tây vì thế Quảng Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vừa là tiền phương, cũng vừa là lá chắn cuối cùng bảo vệ Kinh thành Huế. Chính vì thế Quảng Nam xưa kéo dài từ Hải Vân Quan đến núi Phong (Quảng Ngãi) dài khoảng 170 dặm (khoảng 100km) nhưng lại được triều đình “ưu ái” thiết lập đến 7 nhà trạm khác nhau chuyên lo công văn, thư từ từ các địa phương phía Nam về Kinh thành và ngược lại – thường được gọi là “Quảng Nam thất trạm”…

Do vị trí đặc biệt quan trọng nên các nhà trạm thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đều được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương. Có giếng nước bằng đá, có chuồng nhốt hơn mười ngựa, xung quanh xây tường cao bằng đá đắp đất. Ngoài cùng có hào, trên có vọng lâu như đồn lũy, cổng mở về hướng Tây ra đường cái quan.

hai-van-quan(1).jpg
Hải Vân quan - nơi bắt đầu của "Quảng Nam thất trạm"

“Quảng Nam thất trạm” xưa bao gồm Nam Chân, Nam Ô, Nam Giản, Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Kỳ và Nam Vân. Theo “Quảng Nam toàn đồ” thì đường thư xưa khi qua “Quảng Nam thất trạm” có thể biểu diễn như sau: bắt đầu từ Hải Vân Quan, đường thư theo hình cánh cung hướng Tây Nam đến trạm Nam Chân (dưới núi Chân Sảng, sau nhà Nguyễn lập đồn Chân Sảng) rồi từ đó xuống đèo thẳng đến trạm Nam Ô (gần cửa sông Cu Đê, làng Hóa Ổ nay thuộc phường Hòa Hiệp). Từ đây đường thư tiến thẳng về phía Đông đến huyện đường Hòa Vang tại Chợ Mới (nay thuộc phường Hòa Thuận), rồi men théo dãy núi đất Cẩm Lệ, vượt sông Cẩm Lệ đến trạm Nam Giản (nay thuộc Miếu Bông – Hòa Phước). Từ đây đi thẳng vào tỉnh thành La Qua (Điện Bàn) vượt sông Thu Bồn tiến thẳng vào Nam qua các trạm Nam Phước (thị trấn Nam Phước – Duy Xuyên), Nam Ngọc (Hà Lam – Thăng Bình) vượt sông Kế Xuyên đến trạm Nam Kỳ (thuộc Tam Kỳ ngày nay) và cuối cùng là trạm Nam Vân (giáp tỉnh Quảng Ngãi)… tổng cộng vượt gần 22 sông và nhánh sông.

Theo thời gian và những biến động của lịch sử “Quảng Nam thất trạm” đã dần mất đi vai trò của mình, những ống sớ, dấu niêm phong… của các phu trạm cũng không còn lý do tồn tại… thay vào đó là hệ thống thông tin liên lạc hiện đại hơn. Nhưng với ngót ngét 200 năm tuổi đời, hơn 100 năm tồn tại, hàng chục năm điêu tàn và mất dấu nhưng với những gì còn lại trong các ghi chép xưa cũng đủ để tạo nên một danh xưng nữa cho Quảng Nam – “Quảng Nam thất trạm”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quảng Nam thất trạm” trên con đường thiên lý thời Nguyễn