Đời sống

Quảng Nam đề nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong phát triển công nghiệp

Hải Nam 26/06/2024 - 19:47

Sáng nay (26/6), Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam phục vụ xây dựng các Đề án sơ kết thực hiện Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị.

Dự buổi làm việc có Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Công nghiệp là động lực chính trong phát triển KT-XH

Theo báo cáo, tình hình thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp; vai trò của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam đã thành lập mới 3 KCN; đến cuối năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 KCN với tổng diện tích 3.676 ha; trong đó, có 11 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai (tổng diện tích là 2.954 ha) và 3 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai (tổng diện tích là 716 ha). Có 11/14 KCN đã thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.

kt1(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tạo môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư

Các KCN đã thu hút được 72 doanh nghiệp với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 90,33 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về thực hiện các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2018 - 2023 đạt thấp so với Chương trình số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo; kịp thời cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các Quy chế về ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến nay, hệ thống quản lý văn bản Q-office tập trung được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thực hiện ứng dụng chứng thư số, chữ ký số. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 90,81%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến là 33,2%; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 91,86%.

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 8,76%, tỉ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 76,8%. Đường truyền cáp quang kéo đến 100% cấp xã, 90% cấp thôn; phủ sóng di động 3G, 4G đến 100% cấp xã, 88,9% nhà văn hóa thôn có wifi… Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; từ năm 2019, đã tổ chức thành công 5 lần Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận chính sách ưu đãi

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành có liên quan đã kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 tại Quảng Nam.

Đối với Nghị quyết số 23, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp, KCN, CCN, hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập, liên quan đến nguồn vốn phục vụ công tác nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận chính sách ưu đãi về phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 ngày 03/11/2015 của Chính phủ, Thông tư số 55 ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương…

kt3(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam nêu những khó khăn về quy trình, thủ tục thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành

Đối với những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 52, Phó Chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam tập trung quyết liệt trong đầu tư xây dựng hạ tầng, dữ liệu thông tin, song công tác xây dựng và triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành gặp vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện và khó khăn trong việc phân tích, xác định yêu cầu, lựa chọn giải pháp để triển khai xây dựng CSDL…

Quy định về công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị định số 73 ngày 05/9/2019 của Chính phủ còn một số bất cập, chưa phù hợp với đặc thù triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên thực tế.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, tỉnh Quảng Nam rất coi trọng các lĩnh vực: công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… theo tinh thần của Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52. Thực tế, việc triển khai Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 trong bối cảnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19… đã tác động đến nguồn lực tập trung thực hiện.

Đến nay, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam tiếp tục bám sát những định hướng lớn, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch, công nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Không thể xây dựng mới KCN vì hết hạn mức đất công nghiệp

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, phù hợp với nội dung dự thảo Luật phát triển Công nghiệp mà Bộ Công Thương đang chủ trì.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nêu lên những vướng mắc, bất cập liên quan chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh đã được phân bổ đến năm 2025.‏ Theo phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy hoạch phát triển 20 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch dự kiến hơn 10.165 ha.

kt4(1).jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị

Trong đó, 14 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền với tổng diện tích 3.310,67 ha. Trong khi đó, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Quảng Nam chỉ 2.725 ha, thấp hơn tổng diện tích đất của các dự án khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, trong những năm tới, tỉnh Quảng Nam không thể xây dựng thêm các khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị: "Không để xảy ra tình trạng vì chậm thủ tục mà làm nản lòng nhà đầu tư. Tôi đề nghị Trung ương đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền đi vào thực chất hơn. Việc ủy quyền ở đây liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quyết định nguồn lực, việc quyết định chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Điều này sẽ góp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, qua đó tạo môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, phát triển công nghiệp tại Quảng Nam nói riêng và một số ngành, lĩnh vực khác nói chung”.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị tại địa phương. Các vấn đề, ý kiến, kiến nghị nêu lên tại buổi làm việc đã phản ánh trực diện, đúng thực tế triển khai không chỉ tại Quảng Nam mà còn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Tất cả sẽ được Tổ biên tập của Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, rà soát, đánh giá, kiến nghị cụ thể với các Bộ, ngành Trung ương, phù hợp với cơ chế chính sách hiện nay. Đối với những đề xuất, kiến nghị mang tính cấp thiết của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tách báo cáo chuyên sâu để báo cáo kiến nghị giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam đề nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong phát triển công nghiệp