Bức tranh ngân sách của Quảng Nam dự báo gam màu xám khi ngay quý I/2024, nhiều “ông lớn” trong cơ cấu kinh tế tỉnh này có biểu hiện “kiệt sức”.
“Sếu đầu đàn” xin gia hạn thuế
Từng được mệnh danh là “Sếu đầu đàn” trong cơ cấu kinh tế Quảng Nam khi đóng góp hơn 60% vào ngân sách tỉnh này với hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trước những biến động kinh tế trong và ngoài nước, tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó thị trường ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh. Theo báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Thaco Auto cho biết, doanh số bán ô tô năm 2023 đạt 330,026 xe, giảm 24% so với năm 2022 và thậm chí thấp hơn so với giai đoạn đại dịch năm 2020 và 2021.
Trước thực trạng này, Thaco Auto đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất chính sách hỗ trợ về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dù chính sách này không thể sớm áp dụng từ quý I/2024 và việc giảm 50% lệ phí trước bạ chưa được ban hành như Thaco Auto mong muốn, nhưng doanh nghiệp cũng hưởng lợi lớn từ chính sách gia hạn thuế TTĐB này. Cụ thể, trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ giấy đề nghị, cơ quan thuế sẽ không tính tiền chậm nộp số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn…
Theo Cục Thuế Quảng Nam, qua rà soát, tổng hợp, ước số thuế sẽ được gia hạn theo Nghị định 64 & 65/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/6/2024 khoảng 3.794 tỷ đồng.
Theo phân tích, cơ quan này sẽ gia hạn hơn 812,1 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT); 64,9 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và gần 2.917 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dành riêng cho Tập đoàn Trường Hải.
Được biết, Thaco Auto là đơn vị được thành lập để quản lý mảng sản xuất và phân phối ô tô của Thaco. Đây là 1 trong 6 tổng công ty quản lý ngành của Thaco cùng với các đơn vị khác Thadico (bất động sản), Thaco Agriculture (nông nghiệp), Thaco Industries (cơ khí, công nghiệp phụ trợ)…
Năm 2023, Thaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.734 tỷ đồng, giảm hơn 63% so với mức 7.420 tỷ đồng của năm liền trước. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) còn 5,2%, giảm mạnh so với mức 15,3% của năm 2022.
Cũng theo Cục Thuế Quảng Nam, Tập đoàn Trường Hải là đơn vị đóng góp quan trọng, chủ yếu chiếm hơn 60% tổng thu nội địa của Quảng Nam, song qua 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự sụt giảm đáng kể.
Cụ thể như tháng 1 nộp ngân sách đến 1.663,5 tỷ đồng, thì tháng 2 nộp 609 tỷ đồng và tháng 3 chỉ còn 465,5 tỷ đồng. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Nếu như tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tổng thu ngân sách của địa phương.
Dư báo thu ngân sách sụt giảm
Theo báo cáo của Cục Thuế Quảng Nam, quý I/2024, Cục Thuế Quảng Nam đã thực hiện thu vào NSNN được 5.289 tỷ đồng, đạt 26,3% dự toán, tăng 1% so với cùng kỳ năm năm 2023 (trong đó, cơ quan Cục Thuế thu được 4.544 tỷ đồng, đạt 25,5% dự toán, bằng 99,1% so với cùng kỳ; các chi cục thuế thu 745 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 13,8%).
Báo cáo của Cục Thuế Quảng Nam cho thấy, có 10/17 chỉ tiêu thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán, như: thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 28,8% dự toán, tăng 5,1%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 39% dự toán, tăng 9,6%; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đạt 27,3% dự toán, tăng 38,7%; thu tiền thuê nhà, bán nhà đạt 32,5% dự toán, tăng 27,1%; thu từ hoạt động xổ số đạt 31,6% dự toán, tăng 7,8%...
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho hay, tỷ lệ nợ thuế vẫn tăng cao so với cuối năm 2023. Việc triển khai kế hoạch kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp còn chậm, số tăng thu bình quân cuộc kiểm tra còn thấp; công tác chống thất thu đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Thu từ các nhà mày thủy điện được 316,4 tỷ đồng, mặc dù đảm bảo tiến độ dự toán (đạt 27,3%), nhưng chỉ bằng 66,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 655 doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ kinh doanh (tăng 7% so với cùng kỳ), và có đến 281 doanh nghiệp đóng mã số thuế, chấm dứt hoạt động (tăng 98% so với cùng kỳ). Trong khi chỉ có 202 doanh nghiệp gia nhập lại thị trường sau thời gian tạm nghỉ và 303 doanh nghiệp thành lập mới.
Dự báo tổng thu ngân sách của Quảng Nam trong năm 2024 sẽ sụt giảm đáng kể khi ngày 17/6/2024, Heineken Việt Nam đã có Công văn gửi UBND tỉnh thông báo về việc dừng hoạt động Nhà máy bia Heineken Quảng Nam từ ngày 12/6 để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản.
Trước Covid-19, bình quân mỗi năm, Nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh Quảng Nam từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm 2024, chỉ đóng cho ngân sách 33,4 tỷ đồng, đạt 5,8% dự toán, bằng 11% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 nộp 302,4 tỷ đồng).
Lý giải về việc này, đại diện Heineken Việt Nam cho biết, sau giai đoạn dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số. Do đó, để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Heineken quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam.
Được biết, Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam đi vào hoạt động từ năm 2007, đóng tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn) với quy mô nhỏ nhất trong 6 nhà máy khắp cả nước. Mặc dù vậy, nhưng trước khi tạm dừng, Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam nằm trong nhóm các doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh, cùng với các doanh nghiệp lớn như Thaco, nhóm công ty thuỷ điện... được tỉnh Quảng Nam nhiều lần ghi nhận.