Quán phở “Việt cộng” và lời thề sắt son với Tổ quốc

Bảo Lan| 29/04/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phở Bình trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người dân đất Sài Thành mê ăn phở. Mỗi ngày, ông chủ quán đón tiếp hết đợt khách này đến đợt khách khác, nhưng họ không để ý đến lý do vì sao quán lại có tên phở Bình.

Họ chỉ biết rằng, phở Bình đem đến cho họ cảm giác ngon miệng, có cô con gái ông chủ xinh xắn và dễ mến phục vụ, ông chủ lại nhiệt tình. Nhưng, đối với các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, phở Bình đã trở thành trái tim, là địa chỉ đỏ của họ trong những năm tháng chiến đấu với kẻ thù. Bởi đây chính là “đại bản doanh”, là nơi đã phát lệnh và xuất phát của các chiến sỹ biệt động tiến công vào các sào huyệt của địch trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân -1968.

Quán phở “Việt cộng”

Trên tờ Los Angeles Times của Mỹ đã gọi quán phở Bình như thế, bởi phở Bình chính là nơi trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100 (còn gọi là Sở chỉ huy Phân khu 6), với những tên tuổi đã một thời làm Tổng nha Sài Gòn khiếp sợ trong chiến dịch tết Mậu Thân - 1968, như: Đỗ Tấn Phong, chỉ huy Cụm 679 biệt động đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy; Ngô Thành Vân (Nguyễn Văn Vân, Ba Đen) chỉ huy đội 11 biệt động đánh Đại sứ quán Mỹ; Nguyễn Văn Tăng chỉ huy Cụm 345 đánh Đài phát thanh Sài Gòn; các Tham mưu trưởng như Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Nguyễn Văn Thạnh (Ba Thắng) đánh Dinh độc lập và nơi đây cũng là nơi chuẩn bị bắn những phát súng để phát đi hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch Mậu Thân…

Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Toại cho biết, cả gia đình gồm: Ông Ngô Toại (cha ông - chủ quán phở Bình), bà Trần Thị My (vợ ông Toại); Ngô Thị Hiếu (con gái ông Toại), Ngô Kim Bạch (con rể ông Toại) và ông Ngô văn Lập - khi đó mới 14 tuổi nhưng cũng đã là giao liên và cùng gia đình bí mật tham gia hoạt động cách mạng.

Dù đã qua tuổi lục tuần, nhưng nghe tôi hỏi: “Tại sao lại chọn quán ăn của gia đình để làm cơ sở hoạt động cách mạng?” thì đôi mắt ông Lập sáng lên. Ông kể: “Bố tôi đã từng tham gia từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông cùng công nhân Nhà máy Tơ Nam Định tổ chức nhiều phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Bắc. Sau đó, Pháp đàn áp và bố tôi bị truy nã gắt gao, ông phải trốn vào Nam. Thời gian đầu mất liên lạc, nên bố tôi mở quán phở ở Gia định (quận Bình Thạnh bây giờ), vừa là kiếm kế sinh nhai, vừa là chờ đợi kết nối với đồng đội”.

Quán phở “Việt cộng” và lời thề sắt son với Tổ quốc

Những chỉ huy của F100 ôn lại thời khắc quyết định cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968

Nhờ có nghề gia truyền của ông ngoại ở Nam Định, nên chẳng bao lâu sau, quán phở của gia đình ông phất lên, có tiền bố ông mua nhiều điền thổ ở Sài Gòn, trong đó có căn nhà số 7 này. Tiếng lành đồn xa, quán phở cứ thế mỗi ngày một đông khách và đó cũng là cơ hội để đồng đội tìm và kết nối lại liên lạc với bố ông. Hễ khi nào có khách đến ăn mà được bố ông ra hiệu là “vị khách đặc biệt”, thì cái toilet của quán phở chính là nơi để anh em ông Lập kiểm tra thông tin, rồi đưa lên phòng trên gác trao đổi, có khi là họp hành. Dần dần, cứ theo thói quen, “vị khách đặc biệt” mà bố ông hướng cả gia đình theo cách mạng.

Trong suốt những năm hoạt động đó, lợi nhuận từ quán phở, bố ông dùng một phần mua điền thổ vừa để dành, vừa qua mắt địch; một phần để phục vụ cách mạng như mua vũ khí, lương thực. Ngắt ngang lời kể, tôi hỏi ông: “Giữa khu vực toàn sở Ngụy, sao khi ấy bố ông không đi thoát ly, mà lại ở tại chỗ và đưa cả gia đình theo cách mạng với những nguy hiểm chực chờ từng giây và mọi nơi, mọi lúc?”. Ông cười tươi kể: Bộ chỉ huy chọn nơi đây làm cơ sở vì mấy lý do: (1) Khi khách đến ăn phở sẽ trà trộn thì sẽ qua được mắt địch dễ dàng; (2) Ngay lòng địch và sát bên là sở Mỹ, gần căn cứ mới dễ nắm tình hình; (3) Chỗ nào nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất. Chính vì vậy, tin gia đình ông và cơ sở bị phát hiện đăng trên báo Tia Sáng ngày 9/2/1968 đã làm rúng động cả chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ.

Lời thề sắt son với Tổ quốc

Ông Lập kể tiếp, mọi khâu chuẩn bị từ lương thực, thực phẩm đến vũ khí đạn dược cho cuộc Tổng tiến công vào các vị trí của địch đã sẵn sàng. Những ngày cận Tết, trên tầng hai chứa chật cứng hơn 100 cán bộ đầu não nên không có chỗ để ngủ. Vì vậy, tất cả phải ngủ ngồi, công việc nấu nước cũng tăng gấp mấy lần công suất, mặc dù quán cũng không đông khách. Một điều mà đến giờ gia đình ông Lập vẫn rất tự hào, là dù quán có rất nhiều lính Mỹ đến ăn, nhưng họ không phát hiện ra bất cứ một sơ suất nào để biết được, đây là một cơ sở bí mật của cách mạng.

Quán phở “Việt cộng” và lời thề sắt son với Tổ quốc

Quán phở Bình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988

Và, thời cơ cũng đến sau những ngày hồi hộp và chờ đợi, đêm mồng Một Tết, trên căn gác nhỏ ở tầng 3 của quán phở, sau lời tuyên thệ và phát lệnh Tổng tiến công, cả chính quyền Sài Gòn hoảng loạn, với nhiều địa điểm trọng yếu của địch bị quân giải phóng đánh trúng. Ngay hôm sau, địch phát hiện ra phát súng lệnh của cuộc Tổng tiến công đã phát ra từ quán phở Bình, ngay giữa nội thành Sài Gòn.

Vào lúc 8 giờ sáng sáng mồng Ba Tết Mậu Thân, địch truy ráp căn nhà, em ông Lập - Nguyễn Kim Bạch là người đầu tiên phát hiện nhà đã bị bao vây, với vài chục chiếc xe Zeep cùng rất nhiều cảnh sát và binh lính. Súng chĩa thẳng vào quán từ 4 con đường chính hướng vào nhà là đường Hai Bà Trưng, Yên Đổ, Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Văn Mai (nay là đường Trần Quốc Toản - PV). Những tài liệu quan trọng được hủy kịp thời, nhưng 13 cán bộ của Sở chỉ huy bị bắt, trong đó có toàn bộ gia đình ông và một số đồng chí chưa kịp rút. Những ai không có tờ khai thì bị bắn chết tại chỗ, những người khác thì bắt ra Tổng nha. Nhưng do thời điểm đó, gia đình ông có tiền lo lót cho cảnh sát để thoát tội, nên bố ông không bị xử bắn mà chỉ bị lưu đày khổ sai 20 năm, tài sản bị tịch biên toàn bộ.

Quán phở “Việt cộng” và lời thề sắt son với Tổ quốc

Ông Ngô Lập đang giới thiệu danh sách các thành viên biệt động Sài Gòn thuộc F100

Dù thời điểm đó rất khó khăn, nhưng lời thề sắt son với Tổ quốc, gia đình ông Lập kiên trung và quyết tâm không đi, để giữ vững cơ sở cách mạng, cầm cự và bí mật hoạt động cho đến ngày 30/4/1975. Ông bảo, thời điểm đó thật sự là giai đoạn khó khăn nhất đối với gia đình ông, kinh tế kiệt quệ, quan hệ xã hội thì gia đình ông gần như sống biệt lập, vì khu vực này toàn con cháu và gia đình Ngụy nên hàng xóm không ngó ngàng tới, con cái đi học cũng rất khó khăn. Mãi đến năm 1973, bố ông được thả ra theo chính sách đổi tù binh.

Năm tháng trôi qua, chiến tranh cũng khép lại. Ngôi nhà của gia đình ông đã trở thành Di tích lịch sử Quốc gia.

Hiện nay, mỗi năm có nhiều đoàn du lịch trong nước và quốc tế, đến các Hội cựu chiến binh, các thế hệ đoàn viên - thanh niên đến tham quan và tìm hiểu về truyền thống cách mạng, cũng như những công lao mà thế hệ cha ông đã hy sinh và đánh đổi để có được hòa bình.

Ông Lập cũng cho biết, mặc dù nằm ở một vị thế sầm uất về thương mại, nhưng gia đình ông và cũng là ý nguyện của ông Ngô Toại trước khi mất (2006) là mong muốn quán phở Bình sẽ là một công trình chỉ dành riêng cho các hoạt động tham quan, để ôn lại và tưởng nhớ đến những đồng đội của ông đã ngã xuống trong trận Tổng tiến công mùa Xuân năm ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán phở “Việt cộng” và lời thề sắt son với Tổ quốc