Quản lý hướng dẫn viên du lịch theo Luật Du lịch 2017

Hà Thu| 11/11/2017 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành thực hiện triển khai quản lý Hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017.

Văn bản vừa ban hành văn bản số 1342/TCDL-LH của Tổng Cục Du lịch nêu rõ, Luật Du lịch năm 2017 đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau: 1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; 2. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; 3. Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Triển khai quy định trên của Luật Du lịch 2017, để các hướng dẫn viên du lịch hoạt động đúng luật, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành thông báo và hướng dẫn các hướng dẫn viên tiến hành thực hiện quy định tại mục 2 nêu trên. Đồng thời đề nghị các Sở chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh/thành tạo điều kiện thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch - tổ chức giúp bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên trong việc tuân thủ pháp luật.

Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành triển khai thực hiện và gửi báo cáo kết quả về Tổng cục Du lịch trước ngày 30/11/2017.

Còn nhớ, trong tháng 9/2017, dư luận tỏ ra bất bình trước thông tin nhiều đối tượng người Trung Quốc thực hiện công việc như một hướng dẫn viên du lịch, những đối tượng này thực hiện thuyết minh trên xe cũng như thuyết minh tại các điểm du lịch ở Đà Nẵng. Nội dung thuyết minh có nhiều điểm sai lệch gây bức xúc cho xã hội cũng như cộng đồng hướng dẫn viên tiếng Trung tại địa phương này. Và tình trạng này còn tiếp diễn ở một số tỉnh thành lớn, phát triển về du lịch, để xảy ra nhiều sự cố  về việc HDV du lịch nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và gây ảnh hưởng đến văn hóa du lịch cũng như vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Trước đó, trong lần ra mắt Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam tháng 11 vừa qua, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, HDV là đội quân tiên phong của ngành du lịch, có vai trò rất lớn đối với sự thành công của một tour du lịch và tạo ấn tượng với du khách, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay không có một tổ chức nào quản lý đội ngũ HDV, phần lớn trong số 19.000 HDV trên cả nước hành nghề tự do mà không thuộc quân số đơn vị nào. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy, lộn xộn trong đội ngũ HDV, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của HDV chưa đáp ứng yêu cầu để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Trước tình hình đó, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh lại quy định về điều kiện hành nghề của Hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, HDV được phép hành nghề phải đảm bảo tiêu chuẩn: được cấp thẻ HDV và phải có hợp đồng lao động với công ty lữ hành hoặc công ty chuyên cung cấp HDV, hoặc là thành viên của Hội nghề nghiệp HDV. Ông Bình khẳng định, hai điều kiện này rất quan trọng để góp phần quản lý, chấn chỉnh đội ngũ HDV hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hướng dẫn viên du lịch theo Luật Du lịch 2017