Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quân đội và Công an trên tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong toàn lực lượng.
Xác định là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình
Chiều 24/3, tại Hà Nội, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã tổ chức họp để nghe Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay, là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cao nhất lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phòng chống dịch; khẳng định trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng đi đầu.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp
Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận cách ly và giám sát sức khỏe phải quán triệt và thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc; tuân thủ nghiêm ngặt, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; bảo đảm tốt nhất về điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người cách ly.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Quốc phòng thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, xây dựng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để có phương án tốt nhất; chống tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, lơ là, giản đơn hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Lực lượng quân y tiếp tục rà soát, kiện toàn, bổ sung nhân lực, vật tư, trang bị y tế để sẵn sàng ứng phó theo từng cấp độ dịch; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn, khoanh vùng, khống chế, góp phần sớm dập dịch trên từng địa bàn và phạm vi cả nước, không để dịch lây lan vào cơ quan, đơn vị, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của bộ đội và nhân dân.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chịu trách nhiệm trước Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống dịch; đồng thời quán triệt, tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ đã được xác định trong nhiệm kỳ này và kế hoạch công tác năm 2020.
Tập trung nắm vững tình hình, làm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Vừa tham gia phòng chống dịch, vẫn phải làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp theo đúng kế hoạch, bảo đảm nguyên tắc, chất lượng.
Quân ủy Trung ương giao Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị toàn quân trong công tác phòng chống dịch. Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm.
Với quyết tâm chính trị cao, sự chủ động nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn toàn tin tưởng rằng, quân đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, xứng đáng là một trong những lực lượng quan trọng, xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Công an quyết liệt, khẩn trương thực hiện 8 mệnh lệnh phòng chống COVID-19
Cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ban hành Công điện số 01 chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương mệnh lệnh công tác sau:
Thứ nhất, Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 7/3/2020 đến ngày 24/3/2020 (thay bằng số liệu thống kê từ ngày 10/3/2020 đến ngày 23/3/2020 theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ) và báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả thống kê, Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.
Thứ hai, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán, không tụ tập đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Thứ ba, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung. Có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thay ca kíp thường trực tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong khi thi hành nhiệm vụ.
Thứ tư, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng.
Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly. Tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh…) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nghiễm COVID-19 để có phương án ứng phó.
Thứ năm, các đơn vị y tế trong Công an nhân dân phải chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị để tổ chức phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Giao Cục Y tế chủ trì khẩn trương tổ chức các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để thường trực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong lực lượng Công an nhân dân và dự phòng phục vụ nhân dân.
Thứ sáu, các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lạn dịch bệnh COVID-19.
Thứ bẩy, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả… nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Công điện nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác.