Đời sống

Quan điểm đúng đắn khi xử lý trẻ lầm lỗi

Minh Khang 10/06/2024 11:44

Luật Tư pháp người chưa thành niên là luật mới hoàn toàn, vừa được Quốc hội lần đầu cho ý kiến. Dự kiến Luật sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Trong dự thảo Luật, TAND tối cao đề xuất mức hình phạt cao nhất với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, giảm xuống 15 năm, thay vì 18 năm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, giảm xuống 9 năm tù, hiện là 12 năm.

untitled_95.png
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

TAND tối cao cũng đề xuất bổ sung hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng; tội nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ; mở rộng trường hợp được cho hưởng án treo.

TAND tối cao đề xuất, trại giam dành riêng cho phạm nhân là người chưa thành niên phải được thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Trong đó phải có khu giam giữ theo tính chất của tội phạm, mức hình phạt và phải có phòng học, khu vui chơi, phòng y tế. Trại bố trí cán bộ quản giáo có trình độ, am hiểu về tâm, sinh lý người chưa thành niên hoặc từng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.

Trước những quy định trên, một số ý kiến băn khoăn cho rằng "nhân văn quá với các cháu thì có phải là thả thêm tội phạm ra đường không?".

Trước ý kiến này, lãnh đạo TAND tối cao đã có một số phản biện.

Về cơ sở pháp lý, công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em yêu cầu phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật riêng cho trẻ em bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, Việt Nam rất cần thiết phải xây dựng một luật riêng biệt về người chưa thành niên.

Về khoa học, nghiên cứu của một số nước đã kết luận trẻ em chưa phát triển đầy đủ tâm, sinh lý, bộ não chưa hình thành, kiến thức pháp luật chưa có. Từ đó khả năng kiểm soát hành vi của các em kém hơn người trưởng thành. Thậm chí, người chưa thành niên còn "bốc đồng, manh động", muốn trải nghiệm nên rất dễ trở thành tội phạm. Có những nghiên cứu cho thấy "nếu các cháu phạm tội mà bắt luôn chỉ làm họ chai sạn với nhà tù hơn". Khi xử lý nhân văn hơn theo kiểu "cứu người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà tù" thì tỷ lệ tái phạm giảm hơn 80%.

Trong trại giam có rất nhiều tội phạm khác nhau. Bởi thế, giam chung người chưa thành niên với tội phạm là người lớn thì các cháu rất dễ bị người lớn đào tạo "thành một tội phạm chuyên nghiệp hơn". Thậm chí, các quyền của người chưa thành niên ở trại giam cũng phải được học tập đầy đủ.

Đại diện TAND tối cao cho biết, nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục nên trẻ chỉ "hơi có lỗi" mà đã dùng đến trại giam thì không phải cách làm đúng. "Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở nên chai sạn với hình phạt, phạm tội. Khi đã quen rồi các cháu sẽ không sợ nữa, làm tội phạm gia tăng. Một quan điểm sai lầm khi hy vọng phạt tù thật nhiều, thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm", Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Những lý giải trên là rất hợp lý, tuy nhiên dư luận cho rằng chúng ta đồng thời cũng cần làm tốt hơn công tác phòng ngừa, vì phòng luôn hơn chống. Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy hiện chỉ có hơn 1.400 phạm nhân là người chưa thành niên đang chấp hành án; vì vậy việc tổ chức trại giam riêng cũng cần tránh đầu tư dàn trải, thừa, thiếu cục bộ, không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm đúng đắn khi xử lý trẻ lầm lỗi