Bất chấp sự khác biệt về văn hóa, nền âm nhạc Âu Mỹ vốn là một mảnh đất xa xôi của nghệ sĩ châu Á. Nhưng với Kpop thì Psy và “Gangnam Style” bỗng nhiên trở thành hiện tượng của năm 2012 và được khai thác tại môi trường này. Để từ đó, liên tiếp những nhóm nhạc của Hàn Quốc đã chinh phục được khán giả khó tính tại đây.
Nói đến chuyện Mỹ tiến, hẳn không ai có thể quên được giấc mơ Mỹ của JYP, một trong ba công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc.
Vào thời điểm Wonder Girls làm mưa làm gió khắp châu Á với bản hit “Nobody”, JYP đã có một bước đi táo bạo và mạo hiểm là đưa năm cô gái tấn công vào thị trường Âu Mỹ.
“Nobody” gây được tiếng vang khi lần đầu chen chân vào BXH Billboard Hot 100, nhưng dường như một ca khúc bắt tai với vũ điệu dễ học theo là chưa đủ đối với khán giả Âu Mỹ.
Sau một khoảng thời gian hoạt động ở xứ cờ hoa mà chưa để lại ấn tượng thực sự, Wonder Girls quay trở về khi đã lỡ mất đỉnh cao tại quê nhà.
Không chỉ JYP, một ông lớn khác của Big 3 là SM cũng từng đưa gà nhà đánh vào thị trường Mỹ. BoA có màn ra mắt rầm rộ với “Eat You Up” vào năm 2009, SNSD cũng từng có “The Boys” phiên bản tiếng Anh và được quảng bá tại thị trường này, nhưng dường như SM có duyên với Hàn Quốc và Nhật Bản hơn.
Trong những năm trước 2012, khi Kpop đã trở thành nền công nghiệp kéo theo làn sóng Hàn phủ khắp châu Á, thị trường US-UK vẫn là một cánh cửa đóng chặt với những cuộc lưu diễn “cưỡi ngựa xem hoa” chủ yếu phục vụ một bộ phận dân cư châu Á đang sinh sống tại những quốc gia này.
Tưởng như giấc mơ Mỹ tiến sẽ khép lại với Kpop thì Psy và “Gangnam Style” bỗng nhiên trở thành hiện tượng của năm 2012.
Cơn sốt “Gangnam Style” bùng nổ với số lượt xem MV trên Youtube lần đầu tiên lên đến con số hàng tỉ, buộc Youtube phải nâng cấp hệ đếm của mình.
Cả thế giới biết đến một nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc với điệu nhảy ngựa đặc trưng, “Gangnam Style” cũng chễm chệ tại vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Thừa thắng xông lên, Psy cho ra thêm nhiều sản phẩm khác với số lượt xem trên Youtube cũng tính là “tường thành” nếu so với các nhóm nhạc Kpop và thậm chí là các nghệ sĩ US - UK thời bấy giờ.
Tên tuổi của Psy dần chìm xuống, nhưng hiệu ứng từ thành công của “Gangnam Style” một lần nữa đã nhóm lên ngọn lửa Mỹ tiến cho các nghệ sĩ Kpop thế hệ hai và ba.
Lần lượt BTS, CL (2NE1)… những cái tên đã quá quen thuộc với cụm từ “Mỹ tiến” cho đến thành công gây bất ngờ của GOT7 và Monsta X khiến công chúng không còn quá bi quan khi nhắc đến tiềm năng phát triển của Kpop ở châu Âu và châu Mỹ.
Thị trường âm nhạc cách nửa vòng trái đất đã không còn là một vũng lầy cho tất cả những nghệ sĩ Hàn Quốc muốn khẳng định tên tuổi của mình.
Khi giấc mơ Mỹ tiến với âm nhạc Hàn Quốc không phải là một điều quá viển vông, người ta thường tranh cãi về vị trí của những người tiên phong.
Cho đến thời điểm hiện tại, hai cái tên của làng nhạc Hàn Quốc gây được nhiều tiếng vang nhất trên trường quốc tế là Psy và BTS. Một bên là một cú hit bùng nổ internet, một bên là một quá trình tích lũy danh tiếng không chỉ ngày một ngày hai.
“Gangnam Style” và Psy là một hiện tượng toàn cầu trong năm 2012, sẽ không quá lời nếu như nói rằng chính “Gangnam Style” là dấu mốc đã làm thay đổi cả bộ mặt của Youtube.
Lượt xem trên Youtube chưa từng là một con số đáng chú ý cho đến khi “Gangnam Style” xuất hiện, và trong tương lai gần sẽ không có nhóm nhạc hay nghệ sĩ Hàn Quốc nào có thể làm được điều tương tự như “Gangnam Style” đã làm.
Cùng với “Gangnam Style”, Psy nhận được tấm vé vào thẳng thị trường US – UK khi thậm chí nam ca sĩ còn không có bất cứ sự chuẩn bị nào.
Khó mà nói rằng nếu như có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn thì Psy có thể thành công ở trời Tây khi anh chỉ xuất hiện với tư cách như là một nghệ sĩ giải trí.
Không ai thực sự quan tâm đến ý nghĩa của bài hát mà chỉ chủ yếu quan tâm tới khía cạnh hài hước và gây nghiện của “Gangnam Style”.
Điều đó chưa thể nói lên tầm quan trọng của người nghệ sĩ đứng đằng sau, trong khi người nghệ sĩ đó mới là nhân tố quyết định cho con đường phát triển lâu dài.
“Gangnam Style” sẽ dễ dàng bị lãng quên khi trào lưu đi qua hay có một “vụ nổ” khác xuất hiện, chính vì lí do đó nên Psy cũng thừa nhận rằng “Gangnam Style” là đỉnh cao mà anh sẽ không bao giờ vượt qua được.
Là một nhóm nhạc thuộc Kpop, nhưng càng ngày công cuộc “Mỹ tiến” của BTS lại trật khỏi đường ray được định sẵn của Kpop để tiến tới với tên gọi “BTS - Pop” như một cách phân biệt BTS với phần còn lại của Kpop.
Đây là nhận định của giới truyền thông cũng như khán giả, bởi vì BTS không được đón nhận như một nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc mà là với tư cách một nhóm nhạc pop đứng chung mâm với những cái tên vốn thuộc US – UK.
Mới đây, hiện tượng toàn cầu PSY đã phát hành bài hát đầu tiên "That That" kể từ năm 2017, với sự góp mặt của thành viên nhóm nhạc đình đám BTS - Suga.
Trong cuộc phỏng vấn mới thực hiện, Suga bày tỏ lòng biết ơn đến PSY. Thành viên của nhóm BTS nói: "Anh ấy luôn là người mà tôi biết ơn. Anh ấy đã mở đường với "Gangnam Style" cho K-pop ở Mỹ để chúng tôi có thể theo bước chân của anh ấy một cách dễ dàng".
"Khi chúng tôi bắt đầu có được sức hút ở Hoa Kỳ vào năm 2017, anh ấy là người mà tôi thực sự muốn gặp" - Suga nói tiếp - "Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu nhận được một số lời khuyên khi tôi phải trải qua một thời gian khó khăn".
Vào chiều ngày 6/5, video âm nhạc của PSY "That That" kết hợp với Suga đã vượt qua 100 triệu lượt xem trên YouTube.
Với thành tích này, "That That" hiện là video âm nhạc K-pop nhanh nhất năm 2022 đạt mốc 100 triệu. Video này được phát hành vào ngày 29/4 lúc 6 giờ chiều. Có nghĩa là bài hát chỉ mất bảy ngày và 21 phút để đạt được cột mốc quan trọng trên.