Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục đà cải thiện gần đây trong tháng 4/2014 khi chỉ số PMI chạm đỉnh mới trên 53 điểm, vượt qua kỷ lục cũ xác lập tháng 4/2011.
Số đơn đặt hàng mới cũng tăng với tốc độ kỷ lục, qua đó đem lại đà tăng trưởng mạnh cho sản lượng và hoạt động mua hàng. Trong khi đó, số lượng việc làm đã tăng trưởng trở lại sau đà giảm nhẹ trong tháng 3. Lạm phát giá đầu vào cũng gia tăng khi các doanh nghiệp thông báo chi phí vận chuyển cao hơn.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát tăng từ mức 51.3 trong tháng 3 lên 53.1 trong tháng 4, mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào tháng 4/2011.
Số đơn đặt hàng mới mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được trong tháng qua tăng tốc tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng và giá đầu ra ổn định đã góp phần gia tăng số đơn hàng mới. Số đơn hàng mới từ nước ngoài cũng tăng kỷ lục trong tháng qua.
Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất của Việt Nam cũng tăng tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 4 với tốc độ nhanh thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau đà tăng trưởng trong tháng 4/2011.
Nhận định về PMI tháng 4 của Việt Nam, Chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC, Trinh Nguyễn cho biết: “Lĩnh vực sản xuất Việt Nam đang tăng trưởng mạnh và sự cải thiện của lĩnh vực này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu trong nước. Đà phục hồi mạnh của sản lượng, số đơn đặt hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu mới cũng như việc làm là rất cần thiết để đẩy lùi tình trạng ảm đạm trong nước”.
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục có một năm khả quan, trái với bức tranh của hầu hết các quốc gia còn lại trong khu vực, nhờ khoản đầu tư ngày càng cao vào lĩnh vực sản xuất và các cuộc đàm phán thương mại nhằm mở rộng tiếp cận thị trường. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc nhẹ từ mức 5.4% trong năm 2013 lên 5.6% trong năm nay. Phần lớn đà tăng trưởng này sẽ bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp vẫn còn trì trệ”, bà Trinh cho biết.
Phước Phạm (Theo HSBC)