Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm người liên quan trong việc cho ông Phạm Công Danh vay gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại án tại Ngân hàng VNCB giai đoạn 2 ngày 17/12 vừa qua, theo đại diện VKS, các kháng cáo của 12 bị cáo xin hưởng án treo, xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở. Đồng thời đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại TPHCM không cho 4 bị cáo khác đã được hưởng án treo ở giai đoạn 1 tiếp tục hưởng án treo.
Về phần dân sự, đại diện VKS cho rằng, số tiền 4.500 tỷ để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng VNCB có nguồn gốc bất hợp pháp và không phải là của Phạm Công Danh. Số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng VNCB, không phải vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi trả lại cho Phạm Công Danh.
Đại diện VKS cho rằng, thiệt hại của Ngân hàng VNCB là hơn 6.126 tỷ đồng và đề nghị thu hồi số tiền thiệt hại để trả lại cho CB, đồng thời bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn số tiền này, đề nghị HĐXX xem xét theo hướng có lợi để khắc phục tối đa thiệt hại.
Trong trường hợp giữ nguyên án sơ thẩm, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ khoản tiền 1.600 tỷ đồng của BIDV cho Phạm Công Danh vay.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm
Liên quan đến Ngân hàng BIDV trong “đại án” VNCB này, Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) chính là người phê duyệt cho vay. Cụ thể, Trần Bắc Hà được xác định là người phê duyệt chủ trương cho Phạm Công Danh sử dụng 12 pháp nhân các công ty do Phạm Công Danh thành lập, vay 4.700 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại 2.550 tỷ đồng của VNCB.
Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư BIDV Hội sở chính. Với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Trưởng Phân Ban rủi ro, Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân Ban rủi ro, đồng ý cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà; ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay với số tiền 4.700 tỷ đồng/12 công ty, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn cho vay và thu hồi công nợ.
Sau khi được Trần Bắc Hà “bật đèn xanh”, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn, gồm: Lựa chọn công ty đứng tên vay; công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào trong số các công ty do ông Danh thành lập; lập hồ sơ tài chính và tiến hành lập khống các phương án vay vốn… rồi nộp lại cho BIDV Hội sở và các chi nhánh sẽ cho vay.
Ngoài ra, Phạm Công Danh chỉ đạo chọn 12 công ty gồm: Công ty Phong Hiệp, Phước Đại, Quang Đại, Phú Nguyễn, Cường Tín, Tuấn Văn, Thanh Quang, An Phát, Nhất Nhất Vinh, Hương Việt, Thành Trí và Phúc Phạm. 4 công ty cung cấp VLXD là Công ty Thịnh Quốc, Quốc Thắng, Thiên Trang Phạm và Công ty Hương Việt. Các giám đốc các công ty này được thuê 5-10 triệu đồng người/tháng, là lái xe, bảo vệ…
Sau khi hoàn tất hồ sơ, mỗi công ty của Phạm Công Danh được BIDV cho vay từng công ty từ 320 tỷ đồng đến 460 tỷ đồng, 4 chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn là nơi phát vay theo chỉ đạo từ BIDV Hội sở. Số tiền giải ngân sau đó được chuyển cho ông Danh sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo nội dung vụ án, BIDV quyết định cho vay 4.700 tỷ đồng khi chưa có đủ cơ sở xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa có phương án khả thi và hiệu quả là chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng; BIDV cho vay khi khách hàng chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp; hợp đồng cầm cố 3 bên (gồm VNCB, BIDV và khách hàng) chỉ có chữ ký của Tổng giám đốc VNCB là chưa phù hợp quy định. BIDV (Sở Giao dịch 2) chỉ có văn bản yêu cầu khách hàng vay vốn cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn và sắp xếp để ngân hàng kiểm tra sau cho vay mà không kiểm tra sau cho vay đối với khách hàng là chưa đúng quy định.
Sai phạm của Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng trong việc cho Phạm Công Danh vay khiến cả hai Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật.