Quyết định số 121 ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc về việc giải quyết khiếu nại của công dân đã có hiệu lực luật pháp luật gần 20 năm nhưng chưa tổ chức thực hiện, gây thiệt hại cho người dân.
Vừa qua, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có Công văn số 29 ngày 22/5/2015 gửi Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đề nghị kiểm tra, làm rõ…
Từ chuyện ban hành quyết định trả đất…
Trong đơn gửi Báo Công lý, ông Thạch Trường Sơn thường trú tại số 27 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc trình bày: Vào khoảng năm 1966, cha mẹ ông là ông Thạch Âm Chinh và bà Phù Thị Quốc có khai hoang khoảng 4ha tại khu vực đường Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc để cất nhà ở và làm nơi nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1979, do cuộc sống khó khăn, cha mẹ ông ra chợ thuê nhà làm ăn buôn bán và ở lại đó luôn. Do không quản lý nên phần đất của gia đình ông bị một số người vào bao chiếm cất nhà ở. Thấy vậy, năm 1985, gia đình ông đã cho vợ chồng ông Tào Văn Năm vào ở nhờ nhà và phần đất còn lại.
Năm 1992, gia đình ông quay về cất nhà ở lại. Đồng thời, gia đình ông có đơn khiếu nại đối với những hộ dân đã bao chiếm đất của gia đình. Khiếu nại này của gia đình ông không được UBND huyện Phú Quốc lúc bấy giờ giải quyết.
Sau đó, gia đình ông đề nghị gia đình ông Tào Văn Năm trả nhà và phần đất trước đây ở nhờ. Ông Năm không chịu trả. Hai bên xảy ra tranh chấp. Ngày 4/7/1995, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định 121/QĐ – UB về việc giải quyết đơn khiếu nại của công dân giữa ông Tào Văn Năm với ông Thạch Âm Chinh. Theo đó, UBND huyện Phú Quốc “chấp nhận theo đơn xin 300m2 trước đây được UBND huyện ký cho phép cho ông Tào Văn Năm. Còn lại nhà nước cấp cho ông Thạch Âm Chinh, giao cho nhà đất, khu phố đo đạc, cắm cột, ranh giới”.
Theo ông Sơn trình bày, phần đất còn lại hơn 2.225m2 này, gia đình ông quản lý sử dụng từ đó đến nay. Nhiều lần, gia đình ông có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình theo Quyết định số 121 ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc nhưng chưa được giải quyết.
Ông Sơn bức xúc vì Quyết định số 121 ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc có hiệu lực pháp luật và đến nay chưa có một Quyết định nào sửa, hủy bỏ quyết định này. Thế nhưng, gần 20 năm qua, Quyết định số 121 ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc vẫn chưa được các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện, gây thiệt hại đến quyền lợi của gia đình ông.
… Đến việc mua dừa nhưng lại đòi đất
Làm việc với chúng tôi, đại diện Thanh tra huyện Phú Quốc thừa nhận là Quyết định số 121/QĐ-UB ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa có một văn bản, quyết định nào sửa, hủy bỏ Quyết định này.
Khi được hỏi, nguyên nhân vì sao chưa tổ chức thực hiện thì đại diện Thanh tra Phú Quốc cho biết, ông chỉ mới tiếp nhận hồ sơ khiếu nại liên quan đến khu đất trên. Hơn nữa, quyết định này ban hành quá lâu nên không rõ lý do vì sao chưa tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đại diện Thanh tra Phú Quốc cũng lý giải rằng, liên quan đến khu đất còn lại của gia đình ông Sơn hiện nay còn có một tranh chấp khác liên quan đến ông Ngô Thanh Hải.
Theo đó, ông Ngô Thanh Hải khiếu nại rằng, năm 1992, ông có mua của ông Trần Xuân Điện và ông Nguyễn Văn Đức 45 cây dừa, không ghi diện tích đất. Bằng văn bản mua dừa này, ông Hải cho rằng, một phần đất của gia đình ông Sơn đang quản lý sử dụng là của ông. Cụ thể, theo Quyết định số 432 ngày 28/2/2003 của UBND tỉnh Kiên Giang thì ông Hải được giải quyết 345,94m2. Tuy nhiên, Quyết định số 432 ngày 28/2/2003 của UBND tỉnh Kiên Giang bị gia đình ông Sơn khiếu nại.
Tại Kết luận Thanh tra số 1149 ngày 12/6/2006 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Phần đất tranh chấp với ông Ngô Thanh Hải trước đây là của gia đình ông Thạch Âm Chinh và bà Phù Thị Quốc khai hoang làm nhà ở và trồng dừa là có thật. Quyết định 121/QĐ-UB ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc về việc giải quyết khiếu nại đã giao cho ông Tào Văn Năm 300m2 và “diện tích còn lại Nhà nước giao cho ông Thạch Âm Chinh”. Điều đó thể hiện quan điểm của địa phương là trả lại một phần đất cũ cho cho gia đình ông Chinh.
Đồng thời, theo các chứng cứ thì việc mua bán dừa giữa ông Điện và ông Đức với ông Hải được chính quyền địa phương xác nhận nhưng không xác định vị trí và diện tích đất cụ thể. Hiện nay, ông Điện đã chết nhưng qua xác nhận của ông Đức (người bán dừa cho ông Hải) cũng đã khẳng định chỉ bán dừa, không bán đất…
Và, từ nhiều căn cứ khác, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh Quyết định số 432 ngày 28/2/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang theo hướng không chấp nhận khiếu nại của ông Ngô Thanh Hải.
Ngày 22/9/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1553 điều chỉnh một phần Quyết định số 432 ngày 28/2/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ: “Không chấp nhận khiếu nại của ông Ngô Thanh Hải”.
Thiết nghĩ, việc ông Hải chỉ mua dừa nhưng lại đòi đất đã bị cơ quan có thẩm quyền bác khiếu nại. Đồng nghĩa với việc phần diện tích đất của gia đình ông Sơn đang quản lý sử dụng phải được thực hiện theo Quyết định số 121 ngày 4/7/1995 của UBND huyện Phú Quốc mà gần 20 năm qua “quên” tổ chức thực hiện như Công văn số 29 của Trụ sở tiếp công dân Trung ương vừa đề nghị UBND huyện Phú Quốc kiểm tra, làm rõ.