Phụ huynh kêu chương trình nặng, Bộ GD-ĐT nói chưa nhận được phản ánh chính thức

Ngô Chuyên| 03/10/2020 17:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước những phản ánh về vấn đề chương trình lớp 1 mới nặng, nhiều phụ huynh cùng đánh vật với con thâu đêm. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía phụ huynh, giáo viên hay các nhà khoa học.

Phụ huynh đánh vật cùng con

Có con đang học lớp 1, bộ sách cánh diều chị Nguyễn Thị Hương (Đông Anh – Hà Nội) chia sẻ: "Lúc đầu nghe các chuyên gia giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải nhưng gần tháng con tôi vào học lớp 1 vợ chồng tôi đã đánh vật với con nhiều tối. Thậm chí nhiều lúc dạy con không hiểu tôi còn đánh, mắng con”.

Phụ huynh kêu chương trình nặng, Bộ GD-ĐT nói chưa nhận được phản ánh chính thức

Ảnh minh họa.

Chị Hương cũng chia sẻ thêm, cách đây 8 năm con đầu chị vào lớp 1 rất nhẹ nhàng, không đi học tiền lớp 1 nhưng cả nhà cũng không phải gồng mình học cùng con. Tuy nhiên, đến đứa thứ 2 mọi người khuyên tôi nên cho con đi học tiền lớp 1, không vào năm học chính thức con sẽ không theo kịp bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thuận theo tự nhiên nhưng giờ tôi thấy cuộc chiến vào lớp 1 của con tôi biến tôi thành “bà phù thủy”, cứ đến giờ học tối ở nhà của con là tôi tay cầm thước, lúc không kiềm chế được tôi đã quát tháo và thậm chí đánh con vậy mà  có những hôm đến 11 giờ vẫn chưa xong bài”.

Cũng có con năm nay học lớp 1, chị Nguyễn Thị Huyền (Can Lộc – Hà Tĩnh) cho biết, con mới hai tuần học con chưa kịp nhớ hết chữ cái đã phải học ghép vần. Ngày nào đi học về cô giáo cũng phát một trang giấy A4 ghi lưu ý những bài học về nhà để phụ huynh cùng ôn bài với con. Đêm nào, hai mẹ con cũng đánh vật đến 10 giờ đêm.

“Nhiều hôm, dạy mãi con không hiểu tôi đã mắng, thậm chí còn đánh và đến giờ học ở nhà với mẹ con khiếp. Nhưng vì chương trình nặng quá, nếu không ép con, thì con không biết chữ gì, không theo kip các bạn cùng lớp cũng khổ”, chị Huyền chia sẻ.

Bộ GD-ĐT nói gì?

Trước những ý kiến trên của phụ huynh, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho hay Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía phụ huynh, giáo viên hay các nhà khoa học. Tuy nhiên, Bộ cũng rất trân trọng và lắng nghe các nhận định này.

Theo ông Tài, chương trình có chuẩn đầu ra cụ thể cho từng môn, có khung thời lượng cho một năm học. Ở môn Tiếng Việt lớp 1, thời lượng là 420 tiết. “Khi xây dựng chương trình có qua rất nhiều giai đoạn, có công bố lấy ý kiến và có hội đồng thẩm định quốc gia. Với quy trình chặt chẽ như vậy và khi triển khai mới bước đầu mà có nhận xét là chương trình nặng thì chưa đúng thời điểm và chưa có căn cứ xác đáng,” ông Thái Văn Tài nói.

Phụ huynh kêu chương trình nặng, Bộ GD-ĐT nói chưa nhận được phản ánh chính thức

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT

Ông Tài cũng cho biết, với quan điểm cố gắng giúp các em đọc thông viết thạo sớm, xem đó là điều kiện để học các môn khác nên trong chương trình lớp 1 mới, thời lượng dạy môn Tiếng Việt được tăng lên 70 tiết. Trong khi đó, thời lượng môn Toán lại giảm đi 70 tiết.

“Chương trình môn Tiếng Việt có thời lượng được điều chỉnh tăng 70 tiết, từ 350 tiết lên 420 tiết, nhưng kiến thức lại tinh giản hơn chương trình hiện hành. Vì thế số tiết học Tiếng Việt học chương trình mới trong một tuần chắc chắn nhiều hơn số tiết của môn Tiếng Việt của chương trình cũ. Điều này có thể khiến phụ huynh cảm thấy môn Tiếng Việt bị nặng hơn do học nhiều hơn. Tuy nhiên, nội dung giảm đi trong khi thời gian học nhiều hơn thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn,” ông Tài phân tích.

Ông Tài nói thêm: "Trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các phản biện các vấn đề phát sinh trong thực tế. Khi có đầy đủ các đánh giá trên cơ sở khoa học thì Bộ sẽ có điều chỉnh phù hợp. Như vậy, chương trình lần này có độ mở, linh hoạt. Tuy nhiên, hiện chương trình mới triển khai được một tháng. Tôi xin khẳng định lại nhận định chương trình mới nặng hơn là chưa đủ căn cứ và chưa đúng thời điểm,” ông Tài nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh kêu chương trình nặng, Bộ GD-ĐT nói chưa nhận được phản ánh chính thức