Với các gia đình có trẻ chuẩn bị chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học, không chỉ có việc chuẩn bị kiến thức mà việc chuẩn kỹ năng, tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1 là điều rất quan trọng. Nhưng làm thế nào để tránh tác dụng ngược khi cho con học trước kiến thức lớp 1 thì không phải ai cũng biết.
Vào học lớp 1 là bước ngoặt, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ. Thời điểm này, tâm lý cũng như kiến thức của trẻ bắt buộc phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với môi trường, bạn bè và thầy cô mới.
Ở trường mầm non, trẻ tham gia các hoạt động giáo dục (HĐGD)chủ yếu theo nhu cầu, hứng thú của bản thân dưới định hướng, dẫn dắt, động viên, khích lệ của giáo viên. Bước sang môi trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc, các em phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ của cả lớp.
Lớp 1, học sinh phải đến lớp đúng giờ, thầy, cô giáo không có nhiều thời gian chăm bẵm từng em vì phải điều hành lớp học hoàn thành chương trình các môn học theo đúng tiến độ; phải đánh giá, nhận xét từng học sinh để có phương pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của từng tiết học, môn học cho tất cả các em học sinh trong lớp.
Nói cách khác, chấp hành nội quy, quy định nhà trường, thiết lập quan hệ với giáo viên, hoàn thành các bài tập khi ở lớp, khi về nhà... đó là những khó khăn đối với trẻ khi bắt đầu đi học lớp 1. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 là rất cần thiết, giúp trẻ bước sang một giai đoạn mới bớt bỡ ngỡ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của bản thân.
Gia đình có trẻ chuẩn bị chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cũng như tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1 là điều rất quan trọng.
Không chỉ có vấn đề về tâm lý mà nhiều phụ huynh đang có tâm lý lo lắng về kiến thức trên lớp của các con. Sau tết đã có nhiều gia đình sốt sắng tìm kiếm các nhóm lớp tiền tiểu học để trẻ có thể đọc, viết và làm toán trước khi đến trường Tiểu học.
Với không ít các bạn nhỏ đang ở độ 5 - 6 tuổi, sau một ngày đến trường mầm non, các con sẽ tiếp tục đến các lớp học buổi tối để học đọc, học viết và làm toán. Đây cũng là thực tế không mới khi việc cho con học kiến thức trước khi vào lớp 1 là nhu cầu riêng của mỗi gia đình với quan điểm con cố gắng trước thì khi vào lớp 1, cả bố mẹ và con đều đỡ vất vả.
Thế nhưng, việc đua nhau cho con đi học trước kiến thức trước khi vào lớp 1 tại các nhóm lớp có cần thiết? Khi thực tế, ngay tại các trường, trẻ mẫu giáo lớn cũng đã được tiếp cận, lĩnh hội lượng kiến thức, kỹ năng đúng với độ tuổi, chuẩn theo khung chương trình hiện hành.
Tại trường mầm non, ngay khi cô giáo hô bắt đầu, bạn nhỏ nào cũng hào hứng với trò chơi bắt cá. Với yêu cầu từng đội phải bắt đúng các chú cá có cùng một chữ cái, trẻ không chỉ phải nhanh tay mà còn phải nhanh mắt, tìm kiếm, nhận biết mặt chữ.
Học chữ rồi học số đếm, tất cả đều có trong nội dung đào tạo của khối mầm non và được lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm của trẻ trên lớp.
Việc trang bị các kỹ năng cho trẻ mẫu giáo lớn cũng được các trường chú trọng. Giờ kể truyện, sau khi nghe cô giáo hướng dẫn, các bạn nhỏ sẽ được làm việc nhóm, phân vai và tự kể lại câu chuyện theo ý tưởng riêng. Mỗi nhóm sẽ có thêm giấy, bút màu… để tạo thêm đạo cụ.
Cũng theo các thầy cô giáo, hoạt động giáo dục trẻ trước khi vào lớp 1 thực sự cần thiết nhưng các hoạt động học tập, vui chơi cần được xây dựng dựa trên độ tuổi, tránh nhầm lẫn với việc cho trẻ đi học trước. Có thể thấy, bên cạnh kiến thức, trẻ cũng cần có nhiều kỹ năng để sẵn sàng vào lớp 1.
Về hoạt động chuẩn bị cho trẻ chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học, Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng nhận định là việc thực sự cần thiết. Thế nhưng, khi ở trường, các con đã được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp với năng lực thì việc tìm kiếm các nhóm lớp học trước kiến thức vào lớp 1, các phụ huynh cần cẩn trọng, tránh tác dụng ngược.
Theo nội dung các bài đăng tuyển sinh các nhóm lớp học trước khi vào lớp 1, cũng như thực tế, khi theo học, các con sẽ được học chữ, đánh vần, tập viết, tập đọc, làm toán với phép cộng, trừ, thậm chí là nhân chia…
Đây đều là kiến thức các con sẽ được học ở cấp tiểu học. Điều này có thể tạo áp lực cho trẻ khi các con vẫn chưa đủ tinh thần cũng như sức khỏe để tham gia hoạt động học tập như học sinh lớp 1. Đáng nói, theo các chuyên gia, việc học trước kiến thức lớp 1 có thể ảnh hưởng đến cả quá trình học tập của con sau này.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo - phân tích: "Các bậc phụ huynh cho các cháu đến lớp tiền tiểu học để các cháu viết thạo thì các cháu sẽ nhàn nhã khi thực hiện nhiệm vụ đầu cấp tiểu học. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng khi các con đang thực hiện nhiệm vụ học tập mà việc tập viết quá đơn giản thì các con sẽ nhàn nhã, không tập trung. Dần dần tạo thói quen chủ quan, giảm khả năng tập trung vào hoạt động có mục đích. Giai đoạn đầu thì thuận lợi nhưng về sau sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".
Để con có bước khởi đầu tốt nhất ở cấp tiểu học, đại diện Vụ Giáo dục mầm non cũng chia sẻ, gia đình và nhà trường cần tạo cho trẻ một tâm thế tốt để trẻ hiểu và thích thú hơn về một môi trường học tập mới và bản thân các con có sự hứng thú khi sắp được vào lớp 1.
Có thể thấy, bên cạnh việc chuẩn bị hành trang là kiến thức và kỹ năng, trẻ cũng cần có một tâm thế sẵn sàng khi vào lớp 1. Cùng với đó, các hoạt động tăng cường thể chất cũng không thể bỏ qua để trẻ có một sức khỏe tốt để hòa nhập môi trường mới. Cha mẹ không nên chỉ chú tâm vào việc trang bị kiến thức mà bỏ qua những yếu tố quan trọng này.