Đời sống

Phòng, tránh nạn bắt cóc trẻ em

Tuấn Dũng 18/08/2023 22:47

Trong thời gian gần đây, những vụ bắt cóc trẻ em có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường tập trung vào các em nhỏ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình, và thường bị lợi dụng trong những lúc không có sự giám sát của cha mẹ.

Những đối tượng bắt cóc thường sử dụng nhiều mánh khóe để lôi kéo trẻ em, sau đó thực hiện hành vi bắt cóc. Mặc dù đã có những trường hợp may mắn khi được người dân và cơ quan chức năng phát hiện kịp thời và giải cứu, nhưng cũng có không ít vụ việc đau lòng khiến cha mẹ phải tách xa khỏi con cái.

Có thể kể đến một số vụ bắt cóc trẻ em gần đây như:

Vụ bé trai 2 tuổi mất tích ở Bắc Ninh năm 2020. Xuất phát từ lý do con trai qua đời khi mới tròn 1 tháng tuổi, đối tượng Nguyễn Thị Thu (SN 1988 trú tại Tổ 5 phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em có độ tuổi gần giống con mình để lừa dối mọi người. Đối tượng đến công viên Nguyễn Văn Cừ, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh vào khoảng 16h ngày 21/8/2020, ngồi ở xích đu cạnh vườn hoa để quan sát. Tiếp đó đối tượng Thu mua bánh kẹo dụ dỗ cháu N.C.G.B (2 tuổi) đưa về phòng trọ.

Tới khoảng 9h ngày 22/8/2020, Thu được nhân tình chở cùng với bé B. từ Hà Nội về nhà nhân tình tại xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đến 21h30 ngày 22/8/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã giải cứu cháu B. tại nhà Bằng và bắt giữ đối tượng Thu.

Hay mới đây nhất là vụ bắt cóc trẻ em gây rúng động dư luận tại Long Biên. Vào hồi 19h40 ngày 14/8/2023, Công an phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận tin báo từ gia đình chị Đ.T.H. (trú tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) về việc con trai chị H. (Sinh năm 2016) bị một đối tượng nam giới đeo khẩu trang bắt, đưa lên xe ô tô khi cháu đang đi xe đạp tại khu vực gần nhà. Sau đó, chị H. nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để “chuộc” con.

Đến khoảng 5h ngày 15/8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ được đối tượng gây án là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê quán huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), giải cứu thành công cháu bé về với gia đình bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, các cha mẹ cần thường xuyên quan tâm và chú ý đến con cái trong những lần tham gia vui chơi ở những nơi đông người.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên tận dụng các tình huống giả định để dạy cho con cách ứng xử và phát triển những kỹ năng cần thiết để đối phó với nguy cơ bị bắt cóc. Cách dạy cần bao gồm việc dạy trẻ nhớ họ tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà và nghề nghiệp của bố mẹ để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Trong môi trường học tập, nhà trường không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình đào tạo cần được tùy chỉnh cho từng độ tuổi, giúp học sinh tự bảo vệ bản thân trong tình huống bị lừa dối hoặc bắt cóc.

Khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ về việc bắt cóc trẻ em, người dân cần hợp tác với cộng đồng và cơ quan chức năng để tiến hành điều tra và ngăn chặn tình trạng này.

Trẻ em là tương lai của quốc gia, là nguồn tài nguyên quý báu mà chúng ta cần bảo vệ. Phòng, chống bắt cóc trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Chúng ta cần tiếp tục tăng cường quan tâm đối với trẻ em, thiết lập các biện pháp quản lý mạnh mẽ để bảo vệ họ và trừng phạt nghiêm các hành vi xâm hại tinh thần và thể xác của trẻ em. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng bắt cóc trẻ em.

phong-tranh-nan-bat-coc-tre-em-2-.png
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, tránh nạn bắt cóc trẻ em