Độc đáo nhà trình tường

Trung Thành - Tuệ Lâm| 14/11/2014 05:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ xa xưa, người Pu Péo ở Sủng Tráng, Yên Minh, Hà Giang đã có quan niệm rằng, sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào điền trạch.

Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới… Nhà trình tường vốn là một nét độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao Hà Giang.

Làm nhà bằng đất vì không muốn phá rừng

Khéo léo và lịch thiệp, anh Giàng Mí Phứ, Chủ tịch UBND xã Sủng Tráng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang tiếp chúng tôi trong phòng làm việc. Sau chén nước được nấu từ các loại lá rừng, anh mời khách đến thăm nhà bố vợ mình là Củng Xá Dìn. Số là ông Chủ tịch xã người Mông ấy đã cưới cô gái Pu Péo xinh đẹp nhất vùng núi đá Sủng Tráng làm vợ, nên ngày ông anh vợ làm nhà mới, anh không thể không đến phụ việc. Vốn đã nghe nói nhiều đến kiến trúc độc đáo ngôi nhà trình tường của người Pu Péo, nên không đợi anh nói lần thứ hai, chúng tôi hăm hở lên đường.

Anh Phứ kể rằng, trước kia người Pu Péo ở nhà sàn, nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu làm nhà trở lên khó khăn, vì vậy, họ chuyển sang làm nhà đất. Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo có nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Hoa và người Mông. Song so với kiến trúc nhà của người Mông thì nhà của người Pu Péo có nhiều nét nổi trội và khoa học hơn.

Với số dân ít ỏi chỉ trên dưới 1.000 người, lại sống phân tán dọc theo dải đất biên giới Việt Trung, cộng đồng người Pu Péo theo nếp người xưa thường tìm đến những vùng bồn địa trũng giữa núi rừng, có khí hậu á nhiệt đới để dựng nhà, lập bản. Nhà của bố vợ Giàng Mí Phứ cũng không ngoại lệ, nằm hun hút dưới một thung sâu phải đi bộ mất gần một giờ mới tới, còn đi xe máy cũng mất 45 phút vì phải lòng vòng men theo lòng thung mà xuống. Ở dưới thấp, nên những họ người Pu Péo nơi này vừa có thể làm ruộng nước, lại vừa dựa được vào rừng với những nghề phụ như nuôi ong mật, lấy măng, nấm, mộc nhĩ dưới tán lá rừng xanh um, quanh năm ẩm ướt.

Bố vợ Chủ tịch Phứ, một người Pu Péo hiền lành chạy qua chạy lại ngắm nhìn căn nhà mới của cậu con trai đang dần hiện hình hài. Thực ra, trước đây tổ tiên của ông vốn ở nhà sàn, sau do cây rừng cạn kiệt nên người nọ truyền người kia làm nhà đất. “Làm nhà đất cũng tốt, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát mà chẳng tốn nhiều tiền. Còn làm nhà sàn thì mình lại phải đi phá rừng à?”, bố vợ Chủ tịch Phứ triết lý.

Độc đáo nhà trình tường

Làm nhà trình tường 

Nghĩ vậy nên từ đầu Xuân, vợ chồng ông Dìn đã chuẩn bị được gần 20 triệu đồng từ tiền bán lứa mật bạc hà, rồi đánh tiếng nhờ anh em, con cháu góp công. Trong hai tuần ròng rã, chỉ cần một tốp thợ khéo tay đập vồ, vững lưng cõng đất là chẳng mấy mà xong bốn bức tường trình. Rồi đích thân ông chủ trẻ leo lên đo dốc mái để chuẩn bị cho công đoạn lợp, đích thân ông bào cây gỗ làm chiếc xà gồ đỡ mái nhà. Hàng ngàn mảnh ngói máng, hay còn gọi là ngói âm dương được xe chở về từ phố huyện sẽ nằm ấp lên nhau thành từng cặp mà che mưa, chắn gió cho gia đình qua năm tháng ở vùng biên.

Kỳ công và khéo léo

Chỉ cần có lưng vốn bằng giá trị của chiếc xe máy Honda và các công đoạn đơn giản như thế, lần lượt những ngôi nhà của xóm Pu Péo ở Sủng Tráng đã mọc lên san sát theo hướng Nam và Đông Nam - hai hướng được xem là tốt nhất theo quan niệm của họ. Màu vàng của đất hoàng thổ, màu đỏ sậm của ngói âm dương tạo cảm giác thân thuộc, khiến những ngày thu se lạnh như ấm áp hơn. Và, hơn chục nóc nhà dưới lòng thung tựa lưng vào rừng, hướng cửa ra bãi ruộng cũng vì thế mà trông bớt lẻ loi, đơn độc.

Người già ở Sủng Tráng kể lại rằng, từ xa xưa, mọi dân tộc đều quan niệm việc tậu trâu, cưới vợ, làm nhà là ba công việc lớn của đời người. Ngày nay, dù con trâu không còn là đầu cơ nghiệp nữa thì hai công việc sau vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó. Đối với người Pu Péo cũng vậy, họ quan niệm, điền trạch có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình và mỗi cá nhân trong gia đình ấy. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới...

Đi một vòng quanh căn nhà của người Pu Péo, người ta có thể nhận ra ở đây có rất nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông, người Hoa anh em. Nhưng đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo đã khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Thường họ làm nhà năm gian, những hộ khó khăn thì cất tạm ba gian cũng thành tổ ấm.

Cũng có thời kỳ, người Pu Péo học theo người Hoa làm nhà hai tầng, sau này, họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt, phân bố không gian sinh hoạt trong một tầng nhà duy nhất một cách rất khoa học. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc này thường sáng sủa, phong quang hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông.

Độc đáo và kỳ công nhất có lẽ phải kể đến bức tường trình dày gần 50cm. Loại đất này được lấy từ những vạt đồi hoàng thổ, được sàng lọc kỹ đất tạp rồi pha lẫn sỏi hoặc đá răm để đạt được độ bền cao và chịu được lực tác động lớn như gió bão hoặc bị xe cộ đâm phải. Ngoài ra, còn cần có một lớp đá cao gần nửa mét xếp bao quanh chân tường để tránh sụt lún do nước mưa xói mòn hoặc làm rã đất. Năm người đàn ông khoẻ mạnh lầm lũi cõng từng gùi đất, leo lên chiếc thang tre mỏng mảnh để lên đỉnh tường. Họ đổ gùi đất vào máng (công cụ được đóng bằng gỗ dùng cho việc trình tường) rồi lụi hụi leo xuống. Những người khác dùng vồ nện đất săn lại, kết dính với tầng đất phía dưới. Người nào khéo tay hơn sẽ đứng trên dàn giáo dựng bằng cây gỗ tạp, lấy vồ hoặc tay không đập vào thành tường để đất tường mịn dẻo, ánh lên tinh đất và cũng là để bức tường thêm phần chắc chắn.

Những nguyên tắc bất di bất dịch

Không gian sinh hoạt của các gia đình Pu Péo được phân biệt khá rõ ràng với nhà ở, vườn và chuồng gia súc. Trong ngôi nhà của họ dứt khoát phải đặt hai bếp, được gọi tên là bếp thiêng và bếp phụ. Nếu người Kinh, Hoa, Mông thường dành thoang vụ - gian giữa, làm nơi thờ cúng thì người Pu Péo chỉ để gian này cho khách và bà con nội ngoại nghỉ ngơi. Thoang plu - gian bên trái mới là gian giữ hồn của chủ nhà với chiếc bếp kiềng - bếp thiêng được đặt chính giữa, trên bếp luôn có chiếc ấm đồng để đun nước thờ cúng tổ tiên.

Độc đáo nhà trình tường

Nhà trình tường của người Pu Péo thường được lợp bằng ngói âm dương

Vạt đất phía dưới bếp kiềng trước khi vào nhà mới được đào lên, rồi đổ nước và lông con gà dùng để cúng nhập trạch vào đó và lấp đất lên. Cạnh đó là dãy phản bày các đồ cúng tổ tiên. Trên cao có ban thờ đặt bát hương và những chiếc hũ gốm tượng trưng cho một đời người. Tôi nhẩm đếm thì thấy trên ban thờ của các gia đình trong xóm thường có từ ba đến năm hũ. Mỗi ngày, bà chủ nhà có trách nhiệm nổi lửa ở bếp kiềng một lần, có vậy mọi sự mới được hanh thông, đại cát. Và, chỉ có những cậu trai chưa lập gia đình mới được ngủ trong thoang plu.

Không gian dành cho phụ nữ là thoang p,sau - gian nhà bên phải. Ở đây có bếp lò dùng vào việc nấu ăn hàng ngày và nơi ở cho con gái. Cũng tại thoang p,sau, các cô bé sẽ được mẹ dạy nữ công và các luật tục mà người con gái phải tuân theo cho đến khi hai tay buông xuôi. Có thể nói rằng, nếu thoang plu là nơi giữ hồn gia chủ, lưu giữ chí tráng nam nhi của người trai thì thoang p,sau là nơi ủ ấm ngọn lửa tình thân, dệt giấc mơ trở thành mẹ hiền, vợ đảm của thiếu nữ Pu Péo vậy.

Khác với nhà của người Mông, nhà người Pu Péo có gác xép khá rộng. Trên chất đầy ngô, thóc như thể một cái kho. Nhưng, đó cũng là nơi để ở nếu gia đình có thêm người, hoặc có khách. Tuy nhiên, cũng có những nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ con trai và người già được ở, con gái, con dâu không được bén mảng.

Cứ như lời ông Củng Xá Dìn, bố vợ của Chủ tịch xã Sủng Tráng Giàng Mí Phứ thì người Pu Péo thích làm nhà hướng Nam và Đông Nam. Khi chọn đất làm nhà, người ta thường đào một cái hố nhỏ ở giữa khu đất đã chọn, rồi bỏ xuống đó mấy hạt thóc, úp một chiếc bát lên trên. Sau ba ngày mở ra, thóc vẫn đủ, không suy xuyển, là có thể làm nhà ở.

Nay, dưới những mái ngói âm dương, gia đình người Pu Péo đã có nhiều đồ dùng hiện đại như tivi, quạt điện... Thế nhưng bà con vẫn duy trì nhiều lễ tục, đặc biệt là nếp nhà nghiêm cẩn đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách người Pu Péo, làm nên bản sắc Pu Péo không thể trộn lẫn.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, chắc chắn gia đình nhà vợ Chủ tịch Phứ đã làm lễ vào nhà mới. Thật tiếc là không thể dự bữa cúng quan trọng diễn ra từ chập tối đến sớm mai của gia đình họ. Tôi rót một chút mật ong từ chiếc chai thuỷ tinh xanh mà bà mẹ vợ của Chủ tịch Phứ đã tặng tôi ra nếm thử. Vị ngọt the mát cộng với hơi bạc hà nồng nàn toả khắp đầu lưỡi khiến tôi nhớ đến năm chiếc hũ đặt trên ban thờ nhà Phứ. Năm đời người đã sinh ra và lớn lên dưới mái ngói âm dương và sau bức tường trình ấy. Còn đời người thứ sáu sẽ bắt đầu ở căn nhà mới, mái ngói âm dương và nếp nhà mới sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách họ thành những người Pu Péo quả cảm, chí tình ở đất Hà Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo nhà trình tường