Tại Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị ngành thông tin và truyền thông tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Chiều 12/10, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2020-2025.
Phó Thủ tướng Thường trực dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm qua. Đồng thời, đánh giá cao thành tích mà ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong thời gian qua với các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung và hình thức, bám sát thực tiễn gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị, thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng.
Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, ngành thông tin và truyền thông phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, trong đó tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển dịch từ chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong thời gian diễn ra đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng mạng 5G, Bộ cần sớm phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dữ liệu quốc gia - một trụ cột không thể thiếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta cần phải có một trung tâm Dữ liệu quốc gia (Trung tâm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và độ tin cậy để các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu như Alphabet, Facebook, Amazon... đặt máy chủ tại nước ta) để chủ động quản lý hiệu các hoạt động diễn ra trên mạng thông tin, phát huy tối đa những lợi ích tích cực của thông tin mạng , không để thất thoát tài nguyên số quốc gia, kiểm soát an ninh mạng một cách hiệu quả, ngăn chặn hiệu quả các thông tin độc hại, chống thất thu thuế từ các hoạt động thương mại trên mạng ...
Hai là, tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT - TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ thương hiệu Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia...
Thế giới đang chuyển hướng theo kinh tế hạn chế tiếp xúc, nhất là thời gian bị đại dịch COVID-19 hoành hành đã minh chứng điều này. Nền kinh tế số giúp chúng ta phát triển nhanh và bền vững, quan trọng là chúng ta có đủ nhân lực và trí tuệ để thích nghi với kinh tế số hay không (người Việt Nam chúng ta thông minh, giỏi toán, số lượng sử dụng internet, điện thoại thông minh và thiết bị đầu cuối cao...).
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026. Hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành và địa phương.
Muốn vậy, Bộ phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ để phân tích, nắm bắt kịp thời nhịp đập hơi thở cuộc sống, tâm tư đời sống xã hội, để tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh đường lối chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số người dân; hạn chế những sản phẩm độc hại lan truyền trên mạng xã hội. Phải định hướng và giao nhiệm cho lực lượng báo chí cách mạng làm sao để các sản phẩm thông tin thực sự lành mạnh, hữu ích phải lớn hơn, áp đảo các luồng thông tin giả mạo, xấu độc vì mục đích chính trị hay trục lợi cá nhân (việc này sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu ta có Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đủ điều kiện để các tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới chấp nhận đặt máy chủ tại nước ta).
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo các tiêu chí, điều kiện quy định tại các Nghị định khung về tổ chức các bộ (Nghị định 101/2020/NĐ-CP), các Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện (Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, triển khai việc thực hiện các quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Nghị định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi).
Năm là, nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng đột xuất nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.