Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị về việc triển khai 3 Chương trình MTQG ở Tây Nguyên

Trần Sỹ| 10/02/2023 21:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 10/2, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành ở trung ương và đại diện UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị về việc triển khai 3 Chương trình MTQG ở Tây Nguyên

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì tại Hội nghị triển khai 3 chương trình MTQG

Báo cáo với Phó Thủ tướng về thực tế triển khai các chương trình, các địa phương vùng Tây Nguyên đều nêu nhiều vướng mắc, như thiếu hệ thống văn bản hướng dẫn khung từ trung ương; một số hướng dẫn, quy định đã được ban hành nhưng cách hiểu chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực Tây Nguyên và từng địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Hiện nay, quá trình xây dựng để đồng bộ các hướng dẫn từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Các tiêu chí xây dựng, có một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với các điều kiện kinh tế- xã hội tại Gia Lai. Cùng với đó, việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn, tiêu chí, hướng dẫn để thực sự hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội đang còn vướng mắc, cần phải có biện pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo địa phương đã có những đề xuất cụ thể, như: Sớm ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn trên địa bàn; sớm ban hành định mức, hướng dẫn đất ở, đất sản xuất cho dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Trần Quốc Phương cho biết: Hầu hết các tỉnh Vùng Tây Nguyên chưa hoàn tất việc xây dựng các cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Thời gian tới, các tỉnh trong vùng cần khẩn trương đẩy mạnh công tác này để đảm bảo căn cứ, cơ sở tổ chức thực hiện các chương trình.

Giai đoạn 2021-2025, trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển là 11.731 tỉ đồng cho các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tới hết ngày 31/8/2022, toàn bộ các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc phân bố, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Theo tổng hợp báo cáo, 5/5 tỉnh trong vùng Tây Nguyên bố trí ngân sách địa phương để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn vốn là 877 tỷ đồng. Theo quy định về tỷ lệ bố trí vốn đối ứng, tổng số vốn ngân sách địa phương phải bố trí đối ứng thực hiện năm 2022 là 1.452 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, luỹ kế thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến 31/12/2022 tại vùng Tây Nguyên là 632 tỷ đồng, đạt 22,58% kế hoạch, thấp hơn 15,15% so với bình quân cả nước (khoảng 37,73%). Ước thanh toán vốn đầu tư công tới 31/01/2023 là 1.348 tỷ đồng, đạt 48,12% kế hoạch. 5/5 địa phương trong vùng Tây Nguyên đã giải ngân khoảng 92,9% vốn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị về việc triển khai 3 Chương trình MTQG ở Tây Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước trung ương giao cho các địa phương trong khu vực Tây Nguyên là 3.084 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính tới thời điểm báo cáo ngày 31/01/2023, có 2/5 tỉnh chưa hoàn tất phân bố kế hoạch vốn năm 2023, còn lại các tỉnh trong vùng đã hoàn thành công tác này.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ghi nhận và đánh giá cao các công việc mà các tỉnh Tây Nguyên đã làm được. Điều này, tạo tiền đề quan trong nhằm thực hiện các phần việc tiếp theo. Song song với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành việc giao vốn; sử dụng vốn hợp lý đối với từng chương trình. Các địa phương, phải tiếp tục đẩy nhanh những việc đang làm; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với các bộ ngành trung ương trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các các cơ quan, bộ ngành trung ương thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thiện các quy định khung còn thiếu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị, ở địa phương đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các chương trình sẽ là “điều phối viên", ngồi giữa các cơ quan để có ý kiến xử lý. Với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo, tôi sẽ là điều phối viên ngồi với các địa phương và các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng chưa đồng thuận ý kiến, để các đồng chí mạnh dạn làm. Mong các địa phương học tập kinh nghiệm lẫn nhau, có địa phương giải ngân rất nhanh, làm tốt, cũng trên mặt bằng cơ sở pháp lý đó thì về lý thuyết là họ cũng có cách làm, kinh nghiệm mà ta phải học".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị về việc triển khai 3 Chương trình MTQG ở Tây Nguyên