Xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được người dân dễ tiếp thu và mang tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Xét xử lưu động là việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai không phải tại trụ sở Tòa án mà thường tại nơi tội phạm được thực hiện. Cũng giống như các phiên tòa bình thường, bị cáo bị xét xử tại phiên tòa lưu động vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bởi qua những phiên tòa xét xử lưu động này, người dân được “tai nghe, mắt thấy” và hiểu rõ từng hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể.
Theo bà Trần Ngọc Như, Chánh án TAND huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), mục đích của xét xử lưu động là tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa, tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bằng việc theo dõi phiên tòa một cách trực tiếp, người dân có thể hiểu được sự trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo. Từ đó, trong các trường hợp tương tự, người dân hiểu và tránh những hành vi sai lầm, để lại hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
Việc xét xử lưu động còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với cơ quan xét xử, củng cố niềm tin vào pháp luật, vào chính quyền và Tòa án, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch.
Bà Trần Bích Ngọc, Chánh án TAND TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trong năm 2023, TAND TP. Bạc Liêu đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xét xử lưu động 6 phiên tòa hình sự liên quan đến ma túy trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống ma túy.
Thực tế cho thấy, các phiên tòa xét xử lưu động trực tiếp đã truyền tải được các quy định của pháp luật đến với người dân. Để tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân một cách hiệu quả, Tòa án phải xây dựng kế hoạch từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, lựa chọn Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động.
Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần thiết nhằm phổ biến, tuyên truyền đến người dân.
Bên cạnh đó, vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử lưu động, tuyên truyền pháp luật cũng cần phải phát huy. Bởi lẽ, Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền lực của Nhà nước.
Xét xử lưu động cũng là môi trường thực tiễn để những người tiến hành tố tụng nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như thực thi nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật theo chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, việc giáo dục thông qua những giao tiếp, giữ kỷ luật phiên tòa và cao nhất là ra được bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ.