Nghiệp vụ

Phiên tòa xét xử lưu động giáo dục pháp luật “mắt thấy, tai nghe”

Ngọc Minh 02/07/2024 - 09:59

Phiên tòa xét xử lưu động không chỉ mang tính chất răn đe đối tượng phạm tội mà còn là hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm.

Xét xử lưu động (XXLĐ) là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) mà người dân dễ tiếp thu và mang tính thực tiễn cao.

Sau thời gian dài phải xét xử trực tuyến do dịch COVID-19, những năm gần đây, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tăng cường mở các phiên tòa XXLĐ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, học sinh, sinh viên, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

z5593382727554_a90ea70b35539f096c6de3a011e3f11b.jpg
Phiên tòa lưu động xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy.

Ngày 29/3, tại hội trường Đại học Luật, Đại học Huế, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Hà Xuân Lợi (SN 1994), trú tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/6/2023 tại Tổ dân phố La Chữ Trung, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Công an thị xã Hương Trà đã bắt giữ Lợi do có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lợi, Cơ quan điều tra thu giữ: 19 túi nilon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và các viên nén. Tổng khối lượng ma túy Lợi tàng trữ nhằm bán lại là 555,58 gam Ketamine và 1,56 gam Methamphetamine và MDMA.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã thực hiện hành vi nhiều lần, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để giáo dục và răn đe. Vì vậy, tuyên phạt bị cáo Hà Xuân Lợi 18 năm tù giam.

Em Ung Thị Thùy Trâm, sinh viên năm nhất Trường Đại học Luật cho biết: “Đối với cá nhân em, phiên tòa lưu động là một chương trình rất thiết thực và ý nghĩa, giúp em có cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng của pháp luật đến với sự an toàn, công bằng xã hội, giúp chúng ta tiếp cận pháp luật một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt trong khuôn viên trường học, phiên tòa lưu động giúp nhiều sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tế để sau này áp dụng vào công việc”.

Trao đổi với ông Bùi Văn Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử lưu động) cho hay: Ma túy vẫn đang còn là một vấn đề nhức nhối của xã hội, không chỉ hủy hoại sức khỏe con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Ma túy không chỉ là nguyên nhân của các mối bất hòa trong gia đình mà còn là nguyên nhân dẫn đến phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, ma túy học đường đang là mối nguy cơ hiện hữu, khi một số dạng ma túy mới xâm nhập vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng lo hơn, ma túy mới pha trộn vào thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học cơ sở nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng...

“Chung tay đẩy lùi ma túy” và “Giảm thiểu tác hại” của ma túy không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mọi người dân trong xã hội. Đây cũng là lý do, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức phiên tòa lưu động xét xử về tội phạm ma túy nhằm tuyên truyền tác hại, nguy cơ và cách phòng chống đến các em sinh viên.

z5593380584749_9679b1e054cca2f8305524369aee6051.jpg
Phiên tòa lưu động xét xử hai vụ án phúc thẩm về “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Trước đó, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức XXLĐ hai phiên tòa hình sự phúc thẩm tại Trường Đại học Luật Huế đã thu hút sự quan tâm của dư luận của đông đảo sinh viên ngành luật.

Hai vụ án được chọn xét xử phúc thẩm đều là những tội danh đang xảy ra nhiều trên địa bàn liên quan đến tội “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Cả hai vụ án trên, sau khi xét xử sơ thẩm, hai bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, một bị cáo kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo.

Kết quả xét xử, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát theo hướng y án sơ thẩm đối với bị cáo trong vụ án “Trộm cắp tài sản”; sửa án sơ thẩm theo hướng cho bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được hưởng án treo.

“Tại phiên tòa, thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, HĐXX đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đông đảo sinh viên và những người tham dự phiên tòa hiểu và rút ra những bài học cho mình trong việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như việc quản lý tài sản của bản thân. Em cũng được tiếp thu rất nhanh và cảm thấy rất có ích cho công việc sau này”, Nguyễn Xuân Định, sinh viên năm 3 của Trường Đại học Luật cho hay.

“Thực ra, công tác tuyên truyền pháp luật có nhiêu hình thức, đối với địa phương sẽ có các báo cáo viên tuyên truyền pháp luật đến tận cơ sở. Tuy nhiên, tổ chức phiên tòa XXLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng, có ý nghĩa giáo dục trực tiếp và cụ thể. Tất cả các đối tượng trong xã hội đều được đến tham dự, trực tiếp “mắt thấy, tai nghe”, nâng cao nhận thức, đảm bảo được tính giáo dục, răn đe nói chung; tạo điều kiện cho người dân đến tham dự phiên tòa, nâng cao hiểu biết về pháp luật; tham gia tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong xã hội”, ông Bùi Văn Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

z5593381199787_34578ddfb2d9d3e3a2da49317736958e.jpg
z5593400736352_bfa6b05e5afc7d33b75413d42e51c1cc.jpg
Phiên tòa lưu động luôn thu hút rất đông người tham dự.

Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, TAND hai cấp đã đưa ra XXLĐ hơn 50 vụ, chủ yếu với các tội danh liên quan đến ma túy như tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích... Các vụ án được lựa chọn đưa ra XXLĐ đều là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Điều dễ nhận thấy là phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người. Trong khi đó, những phiên tòa XXLĐ thường thu hút đông người đến dự. Do đó, không thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, GDPL thông qua các phiên tòa XXLĐ. Bởi qua đó, người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên tòa xét xử lưu động giáo dục pháp luật “mắt thấy, tai nghe”