Tòa án địa phương

TAND huyện Mường Lát tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa lưu động

Thành Phan 25/09/2023 - 10:43

Trong một vài năm trở lại đây, TAND huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương, mở rộng các phiên tòa xét xử lưu động, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục pháp luật.

Là khu vực miền núi, trình độ, kiến thức hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu dưới nhiều hình thức tiếp cận.

Theo báo cáo của TAND huyện Mường Lát, 9 tháng năm 2023 đơn vị đã thụ lý 137 vụ việc các loại, đã giải quyết 119 vụ việc, tỷ lệ giải quyết đạt 86,86%. Điều đáng nói là trong các vụ việc được thụ lý có 63 vụ án hình sự với 93 bị cáo. Trong đó, số vụ án hình sự về ma túy chiếm hơn 70%. Số lượng án được cho là cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng và đơn vị, địa phương mở các phiên tòa xét xử lưu động. Đồng thời lựa chọn các vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận hoặc những vụ án mà hành vi phạm tội đang gia tăng trong cộng đồng xã hội như tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích... Riêng trong 9 tháng năm 2023, TAND huyện đã tổ chức thành công 2 phiên tòa xét xử lưu động tại Trường THPT Mường Lát và địa bàn xảy ra việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy.

xet_xu_luu_dong.jpg
TAND huyện Mường Lát tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại Trường THPT Mường Lát

Ngày 26/01/2018, tại Chỉ thị số 01/2018/CT-CA của Chánh án TANDTC về triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018 của các Tòa án đã không giao chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Đây là chủ trương mới, đúng đắn theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật mới, đề cao quyền con người, quyền công dân và cải cách tư pháp. Chủ trương này phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa chung của đất nước khi mà hệ thống phát thanh truyền hình, Internet phát triển mạnh mẽ. Người dân không cần trực tiếp đến dự mà vẫn có thể nắm được thông tin cũng như diễn biến của phiên tòa xét xử.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do sự phát triển không đồng đều cả về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật lẫn thu nhập nên người dân không có phương tiện nghe nhìn để tiếp cận thông tin, hơn nữa, do trình độ dân trí thấp, một bộ phận nhân dân thậm trí còn không biết chữ, không nghe, không nói được tiếng phổ thông thì việc đến dự phiên tòa xét xử lưu động được nghe, dịch tiếng phổ thông chính là giải pháp để giúp người dân có cơ hội tiếp cận với pháp luật một cách hữu hiệu nhất. Đặc biệt, việc tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những vụ án lớn, có tính chất phức tạp tại các vùng sâu, vùng xa càng có giá trị tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cao trên địa bàn.

Mặc dù kinh phí còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao thông đi lại không thuận tiện nhưng trong những năm qua, TAND huyện Mường Lát đã quan tâm chú trọng tới công tác xét xử lưu động, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân được cấp ủy, chính quyền địa phương và dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trên thực tế, hình thức xét xử lưu động là điều kiện thuận lợi để những người tham gia phiên tòa tiếp cận với kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do vậy đây là biện pháp thiết thực nhất không những có sức cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tội phạm, mà còn là biện pháp hữu hiệu để tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, khi nỗ lực thực hiện biện pháp này, TAND huyện Mường Lát đã gặp không ít khó khăn. Ví dụ như việc dẫn giải bị cáo trong các vụ án gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do điều kiện giao thông hiểm trở. Trong khi đó, khu vực xét xử đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Điều đáng nói hơn là các đối tượng bị đưa ra xét xử công khai, trước đám đông thường rất manh động, cần phải có đủ lực lượng trấn áp, áp giải...

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh án TAND huyện Mường Lát, phiên tòa xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền trực quan, thiết thực nhất, không những đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn giúp người dân, học sinh được “mắt thấy, tai nghe” và hiểu rõ hành vi, vụ việc. Các mức án tuyên phạt bị cáo cũng là lời cảnh tỉnh đối với người tham dự phiên tòa.

Như trong phiên tòa xét xử lưu động ngày 19/4/2023 tại Trường THPT Mường Lát, HĐXX đã tuyên phạt Phan Văn Lộ (SN 1990, tại bản Pù Quăn, xã Pù Nhi) 3 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

Theo hồ sơ vụ án, vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 24/2/2023, tổ công tác của Công an huyện Mường Lát phối hợp với Công an xã Pù Nhi đến nhà Phan Văn Lộ để tuyên truyền, nhắc nhở (vì Lộ là người nghiện ma túy). Khi tổ công tác đến nhà, Phan Văn Lộ liền bỏ chạy ra vườn, nhưng bị đuổi kịp, khống chế. Lúc đó, Lộ đang cầm 1 gói nilon màu hồng, bên trong có chứa 6 viên hồng phiến và 0,906g heroin cùng số tiền vừa bán ma túy ngày hôm trước.

Tại phiên tòa, bị cáo Lộ khai biết rõ hành vi mua bán trái phép chất ma túy là vi phạm pháp luật, nhưng vì bản thân nghiện, không kiềm chế được nên đã cố tình mua bán trái phép chất ma túy để lấy tiền hút chích.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường số lượng phiên tòa lưu động đến các xã, bản, gắn với lựa chọn vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, qua đó nhằm tiếp tục cùng với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Mường Lát tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa lưu động