Tòa án địa phương

Chuyển biến nhận thức pháp luật từ phiên tòa lưu động ở vùng biên

Thanh Phương 22/08/2023 17:06

Cuộc sống của người dân tộc vùng biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. TAND huyện Mường Lát đã có nhiều phương pháp để thay đổi, chuyển biến trong nhận thức của người dân.

Mường Lát là huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa giáp với nước bạn Lào và tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện có hơn 40 nghìn dân bao gồm 6 dân tộc sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm đa số. Đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân chưa nhận thức hết các quy định của pháp luật.

a1chuyenbien.jpg
Phiên tòa lưu động tại trường THPT Mường Lát.

Để thay đổi được những khó khăn này, cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Một trong những biện pháp để khắc phục khó khăn mà TAND huyện Mường Lát thực hiện là chọn các vụ án có tính chất phổ biến để đưa xuống địa bàn xét xử lưu động.

Việc xét xử lưu động giúp người dân nắm được các quy trình tố tụng, chế tài xử lý và tính nhân văn khi lượng hình. Thông qua hoạt động tranh tụng công khai, các bị cáo, người dân sẽ hiểu được những hành vi vi phạm pháp luật để từ đó phòng tránh các hành vi phạm tội.

a2xchuyenbien.jpg
Nhờ những phiên tòa xét xử lưu động, người dân, học sinh có chuyển biến trong nhận thức về pháp luật.

Thẩm phán Lê Văn Minh vẫn nhớ như in phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Sùng Ly Pó (sinh năm 1994, trú Bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) về tội “Cố ý gây thương tích” diễn ra ngày 19/4/2023, tại Trường THPT Mường Lát. Rất đông người dân, học sinh đã ngồi kín cả khuôn viên sân trường.

Như nhiều thanh, thiếu niên ở vùng biên này, khi mới học đến lớp 6 Pó đã nghỉ học đi làm. Một thời gian sau, Pó lập gia đình và sinh liền 3 người con. Vòng luẩn quẩn thất học, lập gia đình sớm, sinh nhiều con, thiếu công ăn việc làm cứ lặp đi lặp lại khiến nhiều thế hệ người dân sống trong cảnh nghèo đói, dễ bột phát hành vi phạm tội, sa vào các tệ nạn xã hội.

a3chuyenbien.jpg
Cuộc sống của người dân Mường Lát còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Theo nội dung vụ án, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 20/11/2022, tại bản Khằm 1, xã Trung Lý (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), do bực tức việc Giàng A Nhà lấy xe mô tô của mình đi lâu không trả, Sùng Ly Pó đã dùng tay và phần sống của con dao quắm cùng gậy gỗ đánh Giàng A Nhà dẫn đến bị thương, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 12%.

Khoảng 18 giờ ngày 20/11/2022, Sùng Ly Pó đã đến UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát để đầu thú về hành vi gây thương tích cho Nhà và giao nộp 1 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, loại SIRIUS màu vàng đen, BKS 36H5-050.20, xe đã qua sử dụng.

Thông qua việc tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX xác định việc bị cáo đánh gây thương tích cho bị hại là do sự bực tức bộc phát, mục đích là để đe doạ, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của bị hại. Bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình. Khi được nói lời sau cùng, các bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Khi bị đánh gây thương tích phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát, bị hại được ông Sùng Văn Ly (bố của Sùng Ly Pó) cùng gia đình chăm sóc. Ông Ly đã thanh toán số tiền viện phí cho bị hại Giàng A Nhà là 2,2 triệu đồng và tiếp tục xin bồi thường những thiệt hại của bị hại.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, xét về nhân thân, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, HĐXX tuyên phạt bị cáo Sùng Ly Pó 26 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trong quá trình xét xử các vụ án, TAND huyện Mường Lát phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, để thực hiện các chuyên đề liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại địa phương.

Căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch của cấp trên, việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động của TAND huyện Mường Lát đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, qua đó cảnh báo, răn đe phòng ngừa chung trước toàn thể xã hội, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của người khác cũng như tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến nhận thức pháp luật từ phiên tòa lưu động ở vùng biên