Ngày 10-8, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và lãnh đạo các Bộ ngành, thành viên Ban chỉ đạo cùng tham dự.
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTW) đã cho ý kiến về 2 đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành Tòa án và Viện kiểm sát” nhằm đáp ứng yêu cầu CCTP trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toà án
Về 2 đề án trên của TANDTC và VKSNDTC, Thường trực BCĐ CCTP nhận xét, đây là những đề án lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng như: tài chính, đất đai, kế hoạch-đầu tư, công nghệ thông tin, tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ… có nhiều chính sách mới đối với ngành Tòa án, Viện kiểm sát nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, thận trọng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo CCTP Trung ương phát biểu tại phiên họp
Theo đề án, tổng kinh phí TANDTC đề nghị bổ sung tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Tòa án đến năm 2020 là 17.549 tỷ đồng, VKS đề nghị là 18.905 tỷ 662 triệu đồng. Về định mức diện tích đất xây dựng trụ sở, TANDTC đề xuất: TAND sơ thẩm khu vực 5.000 m2 trở lên, TAND cấp tỉnh từ 10.000m2 trở lên, TANDTC 15.000m2 trở lên. Nguồn vốn xây dựng trụ sở, Tòa, Viện đề xuất xây dựng cơ chế thống nhất để UBND các cấp hỗ trợ kinh phí, đất sạch để xây dựng trụ sở.
Thường trực BCĐ cho rằng, việc đề xuất tổng kinh phí đầu tư cũng như kinh phí cho các nhiệm vụ cụ thể cần được cân nhắc, tính toán kỹ, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta và có tính khả thi cao; đồng thời bảo đảm phù hợp với yêu cầu CCTP và nhiệm vụ đặc thù mỗi ngành. Còn kinh phí xây dựng trụ sở nên đầu tư tập trung từ ngân sách Trung ương để dễ quản lý, giám sát, quyết toán.
Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Thường trực BCĐ CCTP nhất trí với đề xuất cho phép TANDTC, VKSNDTC được bán các trụ sở dôi dư để lấy vốn tái đầu tư xây dựng trụ sở mới.
Liên quan đến vấn đề tăng cường đội ngũ cán bộ, TANDTC đưa ra mục tiêu, số lượng biên chế cán bộ, công chức ngành Tòa án đến năm 2020 khoảng hơn 22.000 người; trong giai đoạn từ 2016-2020 tiến hành xây dựng Học viện Tòa án, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đối với Thẩm phán. TANDTC cũng đề xuất thực hiện cơ chế bổ nhiệm một lần đối với Thẩm phán Tòa án các cấp, tuy nhiên đối với chức vụ mà Thẩm phán được giao quản lý thì vẫn thực hiện cơ chế bổ nhiệm có thời hạn theo quy định hiện hành. Về tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, TANDTC đề xuất tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC là 68, Thẩm phán cao cấp là 65 tuổi, Thẩm phán trung cấp, sơ cấp là 60 tuổi…
Thường trực BCĐ CCTP cho rằng, các đề án đưa ra mục tiêu về tăng cường số lượng biên chế, đáp ứng số lượng biên chế là cần thiết. Tuy nhiên cần đảm bảo khả thi, phù hợp với chủ trương chung. Các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tòa án, BCĐ CCTP cho rằng, đề án đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện, trên cơ sở xác định biên chế và số lượng Thẩm phán TAND đề ra mục tiêu nâng cao đội ngũ cán bộ các cấp như: đánh giá, quy hoạch đội ngũ cán bộ, xác định chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cải tiến phương pháp quản lý chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ, cụ thể hóa các nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, về giải pháp giao cho Học viện Tòa án thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo sau đại học, và thành lập Đại học kiểm sát có chức năng đào tạo trình độ cử nhân luật chuyên ngành kiểm sát… cần phải bàn bạc thêm với các cơ quan liên quan cho thống nhất.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất bổ nhiệm Thẩm phán không có thời hạn
Thảo luận về các nội dung của đề án, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với Thẩm phán để không lãng phí chất xám. Vì thực tế như ngành giáo dục hiện nay, nhiều người nghỉ hưu vẫn có thể làm thêm với thu nhập gấp đôi, gấp 3 lần lương khi đang đương nhiệm, điều đó chứng tỏ nguồn chất xám còn rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng để họ cống hiến sẽ tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận xét, đề án của TANDTC có nhiều ý tưởng mới đột phá, cần thiết cho việc kiện toàn bộ máy đáp ứng yêu cầu CCTP. Đồng tình với đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, nhưng phải nghiên cứu kỹ, nếu cần thiết thì sửa luật, nhưng không nên phân biệt độ tuổi khác nhau từng cấp Thẩm phán mà quy định tuổi chung cho tất cả các Thẩm phán.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đồng ý với đề xuất bổ nhiệm Thẩm phán không có thời hạn, nhưng cố gắng lựa chọn thật kỹ để bổ nhiệm và có cơ chế giám sát chặt chẽ, vì nếu nhiệm kỳ Thẩm phán ngắn như hiện nay là không phù hợp. Tuổi về hưu nên cơ bản tuân theo luật lao động, còn đối với các chức danh như Thẩm phán TANDTC cần có cơ chế đặc thù kéo dài tuổi về hưu.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, việc xây dựng đề án được căn cứ vào NQ 49 và Kết luận 79/KL-BCT của Bộ Chính trị; Chương trình trọng tâm của BCĐ CCTP Trung ương giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở đó, các nội dung về tăng cường cơ sở vật chất, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Tòa án đã được TANDTC khảo sát, tính toán kỹ trước khi xây dựng để án. Những mục tiêu đưa ra nhìn chung đều đáp ứng được nhu cầu chung của ngành Tòa án trong chiến lược CCTP mà Bộ Chính trị đã đề ra. TANDTC sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành để hoàn thiện đề án trước khi trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cho rằng, ngành Tòa án còn nhiều khó khăn, nhiều nơi hội trường xét xử còn quá sơ sài, chật chội, không tôn nghiêm, nhất là Tòa cấp huyện ở các tỉnh vùng xa lại càng khó khăn hơn. Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ tin học hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực… cho ngành Toà án là những vấn đề cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, việc đầu tư, ưu tiên như thế nào, ngành Tòa án phải tính toán, lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện đề án trong thời gian tới trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.
Mai Thoa