Phẫu thuật gãy chân nhưng "cấm" truyền máu người khác

Huy Hoàng| 29/09/2018 09:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bệnh nhân gặp tai nạn giao thông gãy chân, tuy nhiên, gia đình và bệnh nhân yêu cầu phẫu thuật không được truyền máu từ người khác, thậm chí là máu của thân nhân.

Thông tin từ Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) cho biết, vừa phẫu thuật thành công ca mổ kết hợp hai xương cẳng chân nhưng yêu cầu không truyền máu cho bệnh nhân N.T.T.T. (SN 1959, ngụ TP.HCM).

Trước đó 4 ngày, bệnh nhân bị gãy xương chân trái do tai nạn giao thông. Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm tiền phẫu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy hở 1/3 dưới hai xương cẳng chân trái, xương chày gãy chéo có mảnh rời, xương mác gãy ngang mức xương chày; các cơ chày trước, mác bên dập nát, mô dưới da dập nát nhiều.

Tình trạng bệnh nhân cần phải phẫu thuật ngay nhưng gia đình và bệnh nhân yêu cầu không truyền máu từ người khác, thậm chí là máu của thân nhân. Chính vì vậy dù đã đi nhiều bệnh viện khác nhưng các nơi đều từ chối phẫu thuật vì yêu cầu trên.

Phẫu thuật gãy chân nhưng

Ca phẫu thuật không truyền máu người khác hy hữu. Ảnh: M.T.

Khi được đưa vào Bệnh viện Quốc tế City, đánh giá nếu phẫu thuật trễ, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ tổn thương mạch - thần kinh, nhiễm khuẩn, đoạn chi…, ekip bác sĩ đã quyết định mổ cho bệnh nhân theo nguyện vọng của gia đình bằng ứng dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) trong quá trình phẫu thuật.

Trong hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ cắt lọc mép da và mô dưới da dập nát, nắn xương chày kết hợp bằng nẹp, xương mác được cố định bằng kim xuyên trong lòng tủy, đồng thời cố định vào ống tủy.

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân – Phó Giám đốc y khoa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quốc tế City cho biết, phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân là phẫu thuật không mất máu vì được thực hiện với ga rô, bệnh nhân chỉ bị mất máu qua ổ gãy xương hở trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên nếu gãy những xương lớn như xương đùi hoặc đa chấn thương gây mất nhiều máu thì yêu cầu không truyền máu sẽ khá khó khăn.

Hiện tại tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, cần tập luyện vật lý trị liệu, tái khám định kỳ để chân mau hồi phục, sớm đi lại và sinh hoạt bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẫu thuật gãy chân nhưng "cấm" truyền máu người khác