Năm 2014, đã bước sang năm thứ 17 internet có mặt tại Việt Nam. Từ lạ lẫm đến quen thuộc, phát triển rộng rãi với tốc độ như vũ bão, Internet đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống người Việt.
Cán nhiều vạch mốc quan trọng
Internet ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1997, từ đó đến nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có số người sử dụng internet tăng nhanh nhất hằng năm.
Theo Báo cáo tài nguyên internet Việt Nam 2013, trong 16 năm phát triển của internet Việt Nam, tài nguyên internet - tham số định danh phục vụ cho hoạt động internet (tên miền.vn, địa chỉ IP, số hiệu mạng) đã tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của internet Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, số lượng tên miền “.vn” duy trì thực tế trên mạng là 261.256 tên. Tên miền “.vn” giữ được tốc độ tăng trưởng tốt ngay cả những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới. Tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm. Kể từ năm 2011 đến nay, tên miền “.vn” liên tục là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Về địa chỉ internet, tổng lượng IPv4 quốc gia là 15.576.832 địa chỉ. Việt Nam tiếp tục là quốc gia có số lượng địa chỉ IPv4 ở mức cao, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và thứ 25 trên thế giới. Việc thúc đẩy sử dụng thế hệ địa chỉ mới IPv6 có kết quả tốt qua việc chính thức khai trương mạng lưới và dịch vụ IPv6 Việt Nam ngày 6/5/2013.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia có số lượng địa chỉ IPv4 ở mức cao, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á
Trong lĩnh vực đăng ký sử dụng tài nguyên internet, những năm gần đây, Việt Nam gia tăng đáng kể các tổ chức có mạng lưới kết nối đa hướng, đăng ký sử dụng số hiệu mạng ASN và vùng địa chỉ độc lập. Điều này thể hiện sự đa dạng, phát triển trong mạng lưới hạ tầng thông tin với sự trưởng thành trong mạng lưới người sử dụng, không hoàn toàn lệ thuộc vào mạng của các nhà cung cấp.
Dịch vụ internet Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú. Các loại hình dịch vụ kết nối tốc độ cao có mức độ tăng trưởng nhanh chóng. Những năm gần đây, dịch vụ truy cập internet qua hạ tầng di động 3G thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc do sự tiện lợi trong sử dụng. Tốc độ, kết nối internet trong nước và quốc tế ngày càng nhanh, phục vụ đắc lực cho việc phát triển về người sử dụng và dịch vụ.
Trung bình, người dùng trong nước truy cập internet 26,2 giờ mỗi tháng, chỉ kém Thái Lan là 27,2 tiếng và vượt xa các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia… Bên cạnh đó, cũng có tới 90% trong tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam từng vào mạng bằng thiết bị di động và 50% truy cập internet qua điện thoại ít nhất một lần mỗi ngày.
Năm 2013 cũng ghi một dấu mốc quan trọng về sự hội nhập internet quốc tế của Việt Nam qua việc nước ta chính thức trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức hỗ trợ tên miền cấp cao mã quốc gia (ccNSO) thuộc Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ internet quốc tế (ICANN) vào ngày 20/11/2013.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 70 quốc gia có nền công nghệ thông tin – viễn thông phát triển hàng đầu thế giới. Hạ tầng viễn thông đến năm 2015 sẽ phủ sóng di động băng rộng đến 70% cư dân trong cả nước, triển khai xây dựng cáp quang đến hộ gia đình tại tất cả các khu đô thị mới; 20%-30% số hộ gia đình có máy tính và internet băng thông rộng. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 trở thành một trong 20 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất thế giới. Các nhà chuyên môn cho rằng, tương lai của nền kinh tế internet Việt Nam là đạt 17%-20% GDP vào năm 2015 và từ 20%-30% vào năm 2020.
Tiềm năng của “kinh tế internet” Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đánh giá, internet đã tạo môi trường thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin, phổ cập rộng rãi thông tin trong xã hội, phục vụ cho công việc, nghiên cứu, học tập, sản xuất kinh doanh và truyền thông các chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân.
Internet đã góp phần tạo lập cộng đồng, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao năng lực sản xuất và thương mại, tạo ra nhiều hơn của cải vật chất trong xã hội và nâng cao đời sống người dân. Internet còn là sân chơi bổ ích, một kênh giải trí hấp dẫn với nhiều ứng dụng phục vụ người dùng.
Trung bình, người dùng trong nước truy cập internet 26,2 giờ mỗi tháng, chỉ kém Thái Lan là 27,2 tiếng và vượt xa các nước khác trong khu vực Đông Nam Á
Theo Cục Viễn thông, cả nước hiện có 55 giấy phép cung cấp dịch vụ internet cố định có hiệu lực (chỉ dành cho những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập và kết nối internet, không tính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trên internet). Đến nay, 47 doanh nghiệp chính thức triển khai cung cấp dịch vụ, 16 doanh nghiệp có báo cáo thường xuyên với Cục Viễn thông về hoạt động cung cấp dịch vụ. Về truy nhập internet di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 4 giấy phép cho 4 doanh nghiệp gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnam Mobile. Ở thời điểm này, dung lượng kết nối giữa các doanh nghiệp vào viễn thông quốc tế đã tăng gấp 2 lần so với 2 năm trước. Với thị trường băng rộng di động, 3 doanh nghiệp lớn gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone đang chiếm 98% thị phần. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP) cố định đến hết năm 2012 theo thống kê đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và từ dịch vụ 3G khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina (VNG) cho rằng, năm 2004, doanh thu nội dung, dịch vụ internet chỉ là 70 tỷ đồng nhưng đến năm 2009, con số đã là 2.600 tỷ đồng và năm 2013, mức doanh thu của dịch vụ, nội dung internet dự báo sẽ lên tới 20.400 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ nội dung di động chiếm 8.000 tỷ đồng, trò chơi trực tuyến là 6.000 tỷ đồng, thương mại điện tử là 4.200 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến là 2.200 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Minh đưa ra dự báo, đến năm 2018, doanh thu về nội dung, dịch vụ internet sẽ vươn tới 100.000 tỷ đồng, bằng 6,6 lần doanh thu tại thời điểm hiện nay. Trong đó, thương mại điện tử chiếm vị trí cao nhất với 60.000 tỷ đồng; nội dung di động 20.000 tỷ đồng, game online là 12.000 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với 2.200 tỷ đồng hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội mở, tiềm năng lớn và nguồn thu hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia. Vấn đề là doanh nghiệp nào sẽ tận dụng được cơ hội tiềm năng này và đạt được bao nhiêu trong số đó.
Để thúc đẩy phát triển thị trường internet, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của internet. Một trong những quan điểm quan trọng của chính sách phát triển internet trong thời gian tới phải hướng đến là tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ứng dụng trên Internet; đặc biệt là các ứng dụng thương mại điện tử, Chính phủ điện tử.