Chính trị

Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo an toàn thông tin mạng

Bình Nguyên 12/04/2023 19:15

Phiên họp chuyên đề pháp luật chiều nay (12/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các đại biểu.

Trình bày về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

120420230257-z4258427067914_a3302dca6ab01e7b8dd740d2e1d61c5f.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long tại phiên họp chiều 12/4.

Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…

Theo đó, dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; không khống chế tỷ lệ vốn góp với nhà đầu tư nước ngoài để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay và định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia; Các quy định về bảo vệ dữ liệu theo Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan… Bổ sung quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam; bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông theo nguyên tắc kết hợp giữa pháp luật quản lý cạnh tranh chung và pháp luật chuyên ngành viễn thông để thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn…

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, vừa qua Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra Luật Căn cước công dân. Qua đó cho thấy, hai Luật này gặp nhau ở tầm nhìn về xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, có những nội dung về kỹ thuật số cần được thống nhất như lưu trữ thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia. Vấn đề như kho số có đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không, đề nghị Ban soạn thảo của hai Bộ - là cơ quan chủ trì soạn thảo hai Luật cần có trao đổi, thống nhất giữa hai Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu do chính phủ là quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao. Còn đối với nội dung chia sẻ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn phục vụ cho điều tra phục vụ cho công tác an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cần quy định theo Luật Tố tụng hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần rà soát xem Luật này liên quan đến bao nhiêu luật để xử lý những chồng chéo, mâu thuẫn (nếu có) giữa các luật trước khi ban hành. Ngoài ra, để đảm bảo tính cụ thể của dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo rà soát cập nhật những quy định đã thực hiện ổn định để đưa vào dự thảo Luật và tránh việc giao cho Chính phủ quá nhiều Điều, khoản hướng dẫn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay có tới 22 Điều giao Chính phủ quy định chi tiết.

Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích việc sửa đổi Luật Viễn thông là cân đối quản lý và phát triển, cân bằng phát triển và bền vững. Từ năm 2010 đến nay, đã có rất nhiều thay đổi trong lĩnh vực này. Năm 2010 có thể coi là năm đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ số đã phát triển với tốc độ chưa từng có trong hơn 10 năm qua.

Theo Bộ trưởng, hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng thông tin liên lạc truyền thống đã trở thành một loại hạ tầng mới, là hạ tầng số. Đó là hạ tầng của nền kinh tế số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số. Hạ tầng số ngày càng đóng vai trò quan trọng không kém hạ tầng giao thông, việc phát triển hạ tầng số ngày càng tốn kém hơn và cần thiết phải được tích hợp dùng chung với các hạ tầng khác.

Những thay đổi lớn và nhanh chóng trên đòi hỏi phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có một luật về hạ tầng số, nhưng do chưa thật chín, nên dừng lại ở mức sửa đổi Luật Viễn thông, nhưng các vấn đề của hạ tầng số đã rõ thì đưa vào Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng cho biết.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ một số nội dung mà UBTVQH lưu ý như: Đề nghị nhanh chóng bổ sung đánh giá tác động lấy ý kiến các bộ, ngành đối với các chính sách mới, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương để sửa đổi hoàn thiện Luật nhằm thể chế hóa chủ trương xây dựng và phát triển để triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới.

120420230205-z4258389394097_8b51d5f78184895d3b3c9f992962da23.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, định hướng, hạ tầng số là thiết yếu, đảm bảo an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư nhanh đi trước một bước khắc phục những vướng mắc, bất cập; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông và hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh doanh số và trong xã hội số.

Đồng thời, yêu cầu luật hóa, cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; giảm thiểu việc giao Chính phủ và các Bộ quy định; đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý mâu thuẫn chồng chéo, bất cập của các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo an toàn thông tin mạng