Mùa xuân không chỉ là mùa của lễ hội, mà còn là mùa của các gánh hát ca trù. Từ khi ca trù được hồi sinh, nhiều làng, xã đã thành lập các câu lạc bộ, từ đó môn nghệ thuật độc đáo này đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.
Giúp tâm hồn được thảnh thơi hướng về nguồn cội
Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, 6 xã có câu lạc bộ ca trù ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đều tổ chức biểu diễn ca trù sân đình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày Xuân của bà con nhân dân. Ngày hội ca trù tuy là hoạt động thường niên nhưng luôn thu hút rất đông bà con nhân dân thưởng thức.
Bà Lê Thị Phùng - thành viên CLB ca trù xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Diễn Yên có thể được coi là “đất tổ” của ca trù ở Nghệ An. Cách đây 400 năm, gánh hát Kẻ Lứ đã vang tiếng bởi các đào nương tài hoa. Mặc dù trải qua bao thăng trầm, ca trù ở đây vẫn làm say đắm lòng người. Những ngày đầu xuân, các bài hát ca trù dìu dặt vẫn được vang lên trong lễ mừng thọ, ca ngợi mừng Đảng, mừng Xuân, hát phục vụ cho các dòng họ ở nhiều nơi”.
Xuân năm nào cũng vậy, rất nhiều người dân ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) lại chọn cho mình thú vui nghe hát ca trù tại đình làng vào đêm giao thừa. Đến đây, mỗi người như có cảm giác đang lạc giữa những cuộc hát ả đào từ ngàn xưa, để tâm hồn được thảnh thơi hướng về nguồn cội.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng cho biết, ngoài những bài hát cổ mang âm hưởng sâu lắng, các thành viên câu lạc bộ cũng đã sáng tác mới nhiều bài mừng Đảng, mừng Xuân, nhớ ơn Bác Hồ… gần gũi và dễ hiểu, dễ nghe. Hát ca trù trong thời khắc chuyển giao đất trời đã làm cho ngày Xuân thật ấm áp, đậm đà bản sắc truyền thống.
“Việc trình diễn môn nghệ thuật truyền thống này giúp không khí Tết thêm đậm đà bản sắc dân tộc. Đêm giao thừa rất đông bà con đến xem biểu diễn ca trù. Ai cũng cảm động bởi làng mình giữ gìn được văn hóa truyền thống của cha ông để lại và nhiệt tình hưởng ứng”, nghệ nhân Cao Xuân Thưởng cho biết thêm.
Chị Cao Thị Xuân, người dân xã Diễn Hoa, chia sẻ: “Ngày Tết được nghe khúc ca trù thấy không khí thiêng liêng ấm áp tình người, lại nhớ về tổ tiên cội nguồn. Tôi mong loại hình nghệ thuật này tiếp tục được phát huy, lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để ai cũng có thể hiểu và yêu thích môn nghệ thuật ông cha ta để lại”.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, các thành viên câu lạc bộ ca trù làng Đoài, xã Diễn Liên (Diễn Châu) người khăn gấm, người mặc áo tứ thân cùng ngồi hát và nghe hát. Với mục đích lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này, các cụ trong câu lạc bộ đã tập hợp những em nhỏ có năng khiếu hát ca trù để truyền dạy.
Với hình thức học từng bài, từng cách gõ phách, đánh đàn, đến nay các thành viên câu lạc bộ đã hát thành thục nhiều làn điệu. Vì vậy mà ngày xuân, câu lạc bộ nhận được nhiều lời mời biểu diễn từ các dòng họ, địa phương. Điều nổi bật trong các cuộc hát ca trù ở Diễn Liên là hình ảnh cha đàn, con hát của ông Võ Công Súy và chị Võ Thị Mai, hay em Võ Thị Mai Anh tuy còn rất trẻ nhưng đã hát thành thạo nhiều làn điệu.
Mai Anh tâm sự: “Em thích ca trù nên muốn các bạn cùng trang lứa hưởng ứng phát triển văn hóa ca trù. Tuy là môn nghệ thuật khó kết hợp gõ phách và hát nhưng khi đã hiểu, đã thấm, em càng cảm thấy yêu thích hơn”.
Ca trù Diễn Châu dẫu không còn phát triển rực rỡ như trong thế kỷ XIX, nhưng với những nỗ lực của các nghệ nhân, ca nương, sinh hoạt văn hóa dân gian này đang trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những bữa tiệc âm nhạc ngày Xuân.
Với việc lần lượt 6 “tiểu hàng” ca trù của các xã Diễn Liên, Diễn Yên, Diễn Hoa, Diễn Mỹ, Diễn Xuân và Diễn An ra đời, phong trào đàn hát ca trù ở Diễn Châu ngày càng được nhân rộng và được coi như là một “đặc sản” trong “thực đơn” ngày Xuân của các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa truyền thống như mừng thọ, giỗ tổ, hội làng… của cộng đồng làng quê.
Ông Đào Hồng Thanh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu cho biết: “Hát ca trù đã có trên đất Diễn Châu trên 400 năm nay. Trước đây loại hình nghệ thuật này rất ít khi được biểu diễn, tuy nhiên ngày nay với sự quan tâm phục hồi và đặc biệt từ khi được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, ca trù ở Diễn Châu được dành nhiều không gian để biểu diễn như trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, các hội làng, ngày Xuân, ngày Tết”.
Đồng thời, 6 câu lạc bộ ca trù ra đời và lưu diễn ở nhiều địa phương trong cả tỉnh, tham gia và ghi danh trong các kỳ hội diễn là minh chứng cho sức sống của ca trù huyện Diễn Châu. Vì vậy, cùng với nghệ thuật Tuồng và dân ca ví giặm, ca trù đã làm nên nét độc đáo mới lạ mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu Xuân, những thanh âm liêu trai của ca trù như dẫn dụ, thoáng buông lơi, chốc níu kéo, cứ quyến luyến bước chân mỗi người. Những lớp nghệ nhân, ca nương mới đã và đang tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của ca trù, góp phần bảo tồn cho vùng đất Hoan Diễn ngàn năm văn hiến một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.