Vấn đề quan tâm

Phát hiện và ngăn chặn các trường hợp sai phạm, bỏ sót kết quả kiểm toán

Nguyễn Cúc 07/03/2024 06:30

Nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán ban hành kèm theo Quyết định số 477/QĐ-KTNN ngày 04/3/2024.

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kiểm soát chất lượng kiểm toán là hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán trong các giai đoạn của cuộc kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của KTNN nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán; ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục các sai phạm, hạn chế trong hoạt động kiểm toán, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

kiem-toan-nha-nuoc-tam-dung-kiem-toan-tai-cac-dia-phuong-co-dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap1626486404.jpg

Vì thế, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, kế hoạch kiểm toán được duyệt và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện, quản lý các cuộc kiểm toán của KTNN.

Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán còn nhằm phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; củng cố cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho các kết quả kiểm toán.

Đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc biểu hiện sai sót, sai phạm, bỏ sót kết quả (nếu có), hạn chế những vấn đề có thể gây hậu quả trong hoạt động kiểm toán hoặc có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

Làm tốt nhiệm vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, nâng cao uy tín của KTNN.

Theo quy định mới của KTNN, đối tượng kiểm soát chất lượng kiểm toán bao gồm: Toàn bộ hoạt động kiểm toán trong mỗi giai đoạn của cuộc kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của KTNN; công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng và KTVNN.

Đáng chú ý, quy định mới của KTNN quy định phạm vi kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước là các hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện.

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp, Luật KTNN và các quy định có liên quan khác để tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Cùng với đó chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ hoạt động kiểm toán để đảm bảo về chất lượng và kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua các cá nhân và tổ chức giúp việc, gồm: Hội đồng KTNN theo quy định của Luật KTNN; Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước theo sự phân công và ủy quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước; Các đơn vị tham mưu trực thuộc KTNN.

Quyết định 477/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/3/2024 và thay thế Quyết định số 1694/QĐ-KTNN ngày 27/11/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Theo KTNN, năm 2023, toàn Ngành đã kết thúc kiểm toán 171 cuộc, phát hành 173 báo cáo kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 01 Dự án; cung cấp 299 BCKT và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra… để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội; tích cực cử đại diện KTNN tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát, tổ công tác về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện và ngăn chặn các trường hợp sai phạm, bỏ sót kết quả kiểm toán